Nguyễn Trần Diệu Thúy: từ showbiz đến bầu trời

24 tuổi, Diệu Thúy từ bỏ hào quang diễn viên triển vọng để làm kỹ sư. 25 tuổi, cô nghỉ việc, đi du lịch nhưng lại thành… tiếp viên hàng không. Gần 27 tuổi, cô bỏ tất cả để làm lại từ đầu với thử thách mới: học phi công.

Diệu Thúy cùng hai thầy giáo Mỹ – Ảnh: THÚY TRẦN

Tôi không muốn sau này khi mình 40, 50 tuổi lại hối hận vì lúc còn trẻ, có cơ hội chinh phục bầu trời mà mình không làm. Tôi chấp nhận nếu kết quả không được như mong muốn

Nữ phi công NGUYỄN TRẦN DIỆU THÚY

Nhớ lại quyết định gần 3 năm trước, Nguyễn Trần Diệu Thúy (30 tuổi) nói đó là sự đầu tư mạo hiểm, bởi nếu không thành công sẽ là thất bại lớn ở cái tuổi không còn trẻ.

“Đầu tư mạo hiểm” ở tuổi 27

Gần 10 năm trước, Diệu Thúy là người mẫu ảnh, đăng quang một số cuộc thi nhan sắc. Cô sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng được biết đến khi tham gia một số phim như Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Bên kia sông, Người giúp việc, Những mảnh đời giông bão…

Năm 2012, Diệu Thúy tốt nghiệp Đại học Tôn Đức Thắng khoa bảo hộ lao động. Một năm sau khi đóng phim Đồng tiền đen, cô thực hiện lời hứa với cha mẹ: không đóng phim, làm việc đúng chuyên ngành đã học.

Nữ diễn viên làm tại nhà máy sản xuất đồ nội thất của Mỹ ở Bình Dương với vai trò kỹ sư an toàn.

Cường độ công việc áp lực đến nỗi cô không có thời gian dành cho bản thân, không có thời gian để hẹn hò hay rủ bạn bè cà phê, thậm chí không có thời gian để mặc váy vì suốt ngày làm ở nhà máy, cúi mặt với giày bảo hộ.

“Tôi thấy cuộc sống quá ngột ngạt và mình đang mất dần thanh xuân tươi đẹp. Cứ quay cuồng với công việc, tuổi trẻ mình trôi qua vô vị quá” – Diệu Thúy nói.

Tháng 1-2014, 25 tuổi, cô kỹ sư quyết định… nghỉ việc, đi du lịch trải nghiệm. Cơ duyên run rủi khi một lần lang thang trên mạng, Diệu Thúy tình cờ thấy thông tin tuyển tiếp viên của Etihad Airways – một hãng hàng không ở Dubai. Diệu Thúy nộp hồ sơ và không ngờ trúng tuyển.

“Tôi học kỹ sư ra, thấy một số đồng hồ, máy móc trên máy bay nên mạnh dạn hỏi cơ trưởng. Ông ấy ngạc nhiên rồi đưa tờ kế hoạch bay cho tôi xem. Vài câu trao đổi, cơ trưởng bất ngờ nói: tôi thấy cô có tố chất phi công. Cô có nghĩ mình sẽ trở thành phi công không?” – Diệu Thúy kể.

Câu hỏi như cơ duyên để cô tiếp viên hàng không ấp ủ kế hoạch khám phá tiềm năng chính mình. Tháng 6-2016, sau hai năm rưỡi làm tiếp viên, khi đã tích lũy được một khoản tiền, Diệu Thúy về VN. Cô thi tuyển phi công tại Trường bay Việt, nơi huấn luyện phi công cho Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Diệu Thúy chia sẻ: “Nói thật là lúc đó tôi thấy lo, không biết mình có đủ sức khỏe, thông minh, chăm chỉ để học đến cùng không. Nếu phải bỏ cuộc giữa chừng thì đã 27 tuổi, liệu tôi có thể làm lại từ đầu? Tôi biết đó là sự đầu tư rủi ro. Nhưng tôi nghĩ rằng trong cuộc sống, đôi khi cơ hội chỉ đến một lần và mình phải nắm bắt”.

Sáu tháng học lý thuyết vận tải hàng không ở Trường bay Việt, với Diệu Thúy là thời gian không hề dễ dàng.

“Học lý thuyết chuẩn châu Âu cực kỳ khó – Diệu Thúy nói – Tôi đã tuổi 27, tư duy và độ tiếp thu của tôi không bằng các bạn trẻ hơn. Có những môn tôi phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người khác.

Học khó đến mức có những lúc tưởng mình không vượt qua được. Có lúc nghĩ chắc mình không học nổi nữa vì quá khó. Chúng tôi học 14 môn. 6h sáng dậy học đến 12h đêm. Lớp tôi gần nửa đã bỏ cuộc vì nhiều người nợ môn không trả được”.

Nữ phi công Diệu Thúy (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) cùng tổ bay – Ảnh: THÚY TRẦN

Diệu Thúy cùng các đồng nghiệp – Ảnh tư liệu

Diệu Thúy cùng nam đồng nghiệp – Ảnh tư liệu

Để xứng đáng bộ đồ phi công

Sau đó, Diệu Thúy tiếp tục sang Mỹ học thực hành bay. Đó lại là khoảng thời gian khó khăn với cô gái vì áp lực về khoản chi phí ăn ở, thuê nhà, thuê máy bay, thuê thầy dạy…

Diệu Thúy đặt mục tiêu phải hoàn thành khóa học trong 12 tháng và không cho phép được rớt bất cứ môn nào vì không có tiền để trụ lại!

Nhưng thời tiết ở Mỹ không phải lúc nào cũng đẹp. Có những đợt mưa bão dài ngày, không được gọi đi bay. Cô sốt ruột vì mỗi tháng tiêu hết 1.200 – 1.300 USD.

“Đó là tôi đã siêu tiết kiệm: đi xe đạp, tự nấu ăn, không chơi bời. Có những người học 2 năm. Nhà người ta nhiều tiền, nên cứ thong thả vừa học vừa chơi. Còn tôi không nhiều tiền nên đi học rất áp lực.

Có những bài bay khó quá, khó đến nỗi hỏi lại thầy, thầy giảng lại vẫn không hiểu, khiến tôi bị khủng hoảng, nghi ngờ bản thân. Lúc đầu bay bị rớt bài, tôi khóc mấy ngày trong khi người ta thấy bình thường.

Một bài bay mình phải bỏ ra 30 – 40 triệu thuê máy bay, thuê thầy, tiền sân bay, tiền thuế… mà vẫn rớt. Tôi xót lắm vì phải chắt chiu từng đồng” – Diệu Thúy nhớ khoảng thời gian đầy áp lực trên đất Mỹ.

Có lúc cô gái như rơi xuống tận đáy khủng hoảng và mệt mỏi, tưởng như không thể hoàn thành khóa học. Nhưng cô gái nhỏ bé ấy không cho phép mình thất bại. Bằng nỗ lực vượt bậc và chăm chỉ, sau 9 tháng (tháng 2-2018), Diệu Thúy đã lấy được bằng phi công dù mục tiêu của cô là 12 tháng.

Khi đó, Diệu Thúy 29 tuổi.

Cô mỉm cười: “Tôi học 9 tháng là vì tôi cố gắng, chăm chỉ chứ không phải vì giỏi. Người ta 2 ngày mới bay 1 chuyến. Còn tôi, 1 ngày bay 4 chuyến! Tôi muốn bay liên tục để cải thiện kỹ năng và không quên bài”.

Tháng 5-2018, Diệu Thúy quyết định về VN xin việc. Hiện cô đang là phi công của một hãng hàng không mới thành lập.

“Phi công là nghề khó với bất kỳ ai, không trừ nữ hay nam – Diệu Thúy nói – Nhưng trong nghề này, cá nhân tôi thấy nữ lại kiên trì hơn nam. Những bạn nữ học phi công mà tôi biết chưa ai bỏ cuộc.

Được ở trong buồng lái thích lắm. Thấy mình tự do như con chim, rồi được nghe bạn bè giao tiếp với kiểm soát viên không lưu, được gặp bạn bè trên trời thú vị lắm. Nhiều người nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Đôi khi cả ánh mắt nghi ngờ…

Để xứng đáng với bộ đồ phi công và để trả lời cả ánh mắt nghi ngờ, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều”.

Diệu Thúy đang viết kế hoạch bay – Ảnh: THÚY TRẦN

Diệu Thúy làm… dáng ở sân bay – Ảnh tư liệu

Diệu Thúy trong một lần nhảy dù – Ảnh tư liệu

Phụ nữ không nên nghĩ mình là phái yếu

“Chúng ta không phải là phái yếu mà là phái đẹp. Chúng ta có quyền được đẹp nhưng không nên để bản thân trở thành phái yếu. Những gì đàn ông làm được, phụ nữ có thể làm được. Và thậm chí, phụ nữ không chỉ có thể làm tốt, mà còn làm cho nó đẹp hơn.

Tôi không bao giờ đặt nặng vấn đề nếu mình làm điều này không được thì mình sẽ xấu hổ. Không nên dành thời gian để xấu hổ, mà nên dành thời gian để hoàn thiện bản thân và điều đó sẽ làm cho mình hạnh phúc mỗi ngày” – Diệu Thúy chia sẻ.

Nguồn: Tuoitre.vn