Món quà bất ngờ cơ trưởng nhận được đêm Giao thừa

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên ngỡ ngàng khi thấy cả dàn nhân viên khách sạn ở Đài Loan xếp hàng chào đón anh đến phòng Tổng thống…

Dưới đây là chia sẻ của cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, hiệu trưởng Trường Phi công Bay Việt về cuộc sống của người phi công trong mỗi dịp Tết:

Gần 40 năm trong nghề bay, từ khi còn là một anh lính không quân cho đến khi chuyển sang làm phi công dân dụng, tôi đã quen với cuộc sống ngày không giờ, tuần không thứ. Công việc lái máy bay không có khái niệm về ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, và tất nhiên cả ngày Tết. Những câu hỏi giản đơn nhất đối với một người thông thường “ngày mai anh làm việc mấy giờ, tuần sau anh làm giờ nào, ở đâu” lại là thứ khiến cánh phi công chúng tôi bối rối và khó trả lời. Chúng tôi chỉ biết một điều: ngày bay và ngày không bay. Giờ làm việc có thể là sáng sớm, trưa chiều hay buổi khuya, không cố định.

Tuy nhiên, khi vợ bắt đầu dặn mang cành đào từ Bắc vào hay bạn bè nhờ mang mấy món đặc sản gia đình từ quê gửi vào, khi thấy hành khách mang theo cặp bánh chưng, những cành hoa trong các chuyến bay, tôi cũng có nhiều cảm giác bâng khuâng. Tôi biết, mình sắp bận rộn. Tôi biết trước mắt mình sẽ là một lịch làm việc dày đặc. Ngày Tết, hãng tăng chuyến dao động khoảng 25-50% so với ngày thường (dù ngày thường, hãng hoạt động cũng đã gần như hết công suất rồi). Ngày Tết, có nghĩa là chúng tôi sẽ ngày đêm dọc ngang trên trời và cất cánh từ lúc 2h sáng. Ngày Tết, một phi công có thể bay tối đa 4 chuyến mỗi ngày với những chặng ngắn.

Thời trẻ, tôi không nghĩ nhiều về thời gian, Tết đến, chỉ cảm nhận một năm đã đi thật nhanh. Sau tuổi 50, không khí Tết mang nhiều cảm giác bâng khuâng hơn. Nó nhắc tôi rằng quỹ thời gian của mình đang ngắn lại, mình sắp về hưu, mình thêm tuổi còn các con mình đang lớn lên. Càng lớn tuổi, người ta càng cảm nhận về thời gian kỹ hơn, sâu hơn, nhiều suy nghĩ và xúc cảm hơn. Khi bạn được gọi bằng chú, bằng bác, bạn sẽ thấy mình già đi nhanh lắm.

Các chuyến bay ngày Tết đều diễn ra theo một kịch bản giống nhau, đó là các chuyến bay một chiều. Dòng chảy từ miền Nam ra ngoài Bắc. Trước Tết, sẽ có một “cuộc chiến” thực sự ở nhà ga Tân Sơn Nhất để kịp đi chuyến bay mình chọn, máy bay cất cánh trong suốt 24/24h mỗi ngày. Chuyến bay từ phía Bắc vào Nam thì vắng tanh. Sau Tết, kịch bản sẽ đảo ngược. Nhờ các chuyến bay chỉ đông khách một chiều nên cánh phi công chúng tôi cũng dễ dàng mang theo cành đào mua trên đường qua Nghi Tàm khi ra sân bay Nội Bài về nhà.

Còn những chuyến bay quốc tế sẽ là một kịch bản rất đông dòng người Việt về quê ăn Tết. Trong khi những chuyến bay từ Việt Nam ra nước ngoài thường tương đối vắng khách. Tôi vẫn nhớ một chuyến bay đến Đài Loan vào đúng đêm giao thừa, số hành khách còn ít hơn tổ bay: chỉ có 8 khách trên một máy bay 300 chỗ. Lúc đó, tôi đã nói với cả tổ tiếp viên, hãy mang những gì tốt nhất trên máy bay hiện có ra phục vụ họ.

Đến giờ, tôi vẫn không sao quên được chuyến bay cũng từ TP HCM sang Đài Loan khác mà tôi đã được hưởng một may mắn đặc biệt, sau đó chưa bao giờ lặp lại. Sau khi hạ cánh xuống thành phố Đài Bắc, tổ bay đến khách sạn Ritz, một khách sạn của Pháp rất sang trọng, nghỉ ngơi. Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi thấy rất đông nhân viên và cả giám đốc khách sạn đứng xếp hàng sẵn chào đón mình. Họ nhìn tôi và nói: “Chúc mừng anh, anh là người rất may mắn. Hôm nay là ngày 30 Tết nên chúng tôi chọn một khách hàng may mắn để hưởng phòng President Suit”.

Phòng Tổng thống sang trọng tới mức mà nhiều nhân viên của khách sạn còn chưa bao giờ được đặt chân vào. Ở thời điểm năm 1995 khi đó, phòng này có giá khoảng 10.000 đôla Mỹ một đêm. Khi bước vào, tôi thật sự choáng váng. Trong đó, ngoài phòng ngủ còn có phòng đọc sách, phòng khách, phòng họp, phòng hát karaoke, phòng tắm rộng thênh thang mà nói vui là có thể đá bóng trong đó được.

Ngày Tết, bay đến khu vực cũng ăn Tết âm lịch như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, dù sao tôi cũng được hưởng cảm giác Tết gần giống ở nhà. Nhưng đến các nước phương Tây, thậm chí Nhật Bản, nơi người ta đã đón Tết dương lịch, cảm giác rất buồn vì đó chỉ là ngày thường ở nước họ. Các tổ bay thường cố gắng cùng nhau tạo ra một không khí để gọi là Tết, người sẽ mang theo bánh chưng, người sẽ mang theo lọ dưa hành củ kiệu, người sẽ mang theo mứt…

May mắn là từ nhiều năm nay, một điều đã thành một luật bất thành văn ở hãng hàng không Việt Nam là phi công nước ngoài thường được ưu tiên nghỉ dịp Tết dương lịch và Noel, lúc đó phi công Việt Nam gánh vác hết sức. Ngược lại, phi công Việt Nam được bố trí nghỉ tối đa vào ngày Tết nguyên đán. Đó là cách thông cảm và chia sẻ với nhau để làm việc. Trong tổ bay, đội ngũ tiếp viên khổ hơn vì không có nhân lực nước ngoài nhiều để đổi ca như phi công.

Năm nay tôi sẽ có chuyến bay vào đúng ngày mồng một Tết ra Hà Nội. Như mọi năm, trong túi áo của tôi luôn có một tập phong bao đỏ. Lì xì không mang tính vật chất, mà rất truyền thống với những tờ tiền màu đỏ như 50.000 đồng hoặc tờ tiền may mắn như 2 đôla.

Đi bay 4 ngày Tết, tôi được hưởng lương gấp 3 ngày thường. Nhưng quan trọng hơn, được nhìn thấy niềm vui trở về và đoàn tụ của hành khách là phần thưởng ngọt ngào nhất mà chúng tôi có được trong những ngày đặc biệt này.

Nguồn: Vnexpress.net