Tìm hiểu về bệnh mù màu

Người bị mù màu thường gặp khó khăn với màu xanh lá, cam, vàng và đỏ. Chứng mù màu thường do di truyền và gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Rất ít người mù màu bị mù tất cả màu sắc. Những màu sắc mà họ thường khó nhận biết là xanh lá cây, vàng, cam và đỏ.

1. Nguyên nhân gây bệnh mù màu

🔰 Rối loạn di truyền

Bệnh phát sinh do đột biến hoặc thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt cần để phân biệt màu sắc.

🔰 Do mắc bệnh

Một số điều kiện có thể gây thâm hụt màu như bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, nghiện rượu mãn tính, bệnh bạch cầu và thiếu máu hồng cầu hình liềm.

🔰 Do thuốc chữa bệnh

Một số thuốc có thể làm thay đổi nhìn màu sắc, chẳng hạn như một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh tim, cao huyết áp, nhiễm trùng, rối loạn thần kinh và các vấn đề tâm lý.

🔰 Do lão hóa

Khả năng nhìn thấy màu sắc xấu đi từ từ như là một phần của sự lão hóa.

🔰 Do hóa chất

Tiếp xúc với một số hóa chất mạnh tại nơi làm việc, chẳng hạn như disulfua cacbon, phân bón và styrene có thể gây mất màu sắc thị giác.

2. Triệu chứng của chứng mù màu ở trẻ em

Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị mù màu bao gồm:

🔰 Khó khăn khi nhận biết các màu sắc khác nhau khi đã trên 4 tuổi;

🔰 Không có khả năng phân biệt đồ vật bằng màu sắc.

Những triệu chứng thường nhẹ nên vài trẻ không biết chúng bị mù màu. Ba mẹ có thể thấy những dấu hiệu của chứng mù màu khi trẻ học về màu sắc.

3. Sự di truyền của chứng mù màu

🔰 Chứng mù màu hầu như thường là tình trạng thuộc về gen. Một số người mù màu do được di truyền từ gen, một số khác thì phát sinh do sự biến đổi gen (đột biến) trong quá trình phát triển.

🔰 Chứng mù màu có thể phát sinh do hậu quả của chấn thương có tổn thương võng mạc hoặc não, bệnh lý thoái hóa ở mắt hay các nguyên nhân khác.

4. Chứng mù màu đỏ-xanh lá

🔰 Chứng mù màu đỏ-xanh lá thường do di truyền, thường gặp ở 8% nam giới và chỉ 0,4% nữ giới.

🔰 Nguyên nhân do gen quy định mù màu đỏ-xanh lá nằm trên nhiễm sắc thể (NST) X (liên kết giới tính).

Nam giới chỉ có 1 NST X còn nữ giới thì có 2 NST X. Ở phụ nữ, gen chức năng chỉ ở trên 1 trong 2 NST X là đủ khả năng tạo sắc giác bình thường.