[20/11] Albert Tiong: ‘Giáo viên dạy bay là nghề đặc biệt’

Sau nhiều năm giảng dạy tại Singapore, Albert Tiong đầu quân về Bay Việt, trở thành trưởng bộ môn Lý thuyết ATP, “chuyên trị” môn Navigation – môn học khó nhằn với sinh viên ngành hàng không. Anh chia sẻ môi trường giảng dạy ở Việt Nam lý tưởng, anh có thể vừa dạy, vừa học những thứ mới mẻ từ sinh viên của mình – những phi công tương lai.

Albert Tiong đầu quân về Bay Việt, trở thành trưởng bộ môn Lý thuyết ATP, “chuyên trị” môn Navigation – môn học khó nhằn với sinh viên ngành hàng không. (Ảnh: Bay Việt).

Albert Tiong tự nhận bản thân là người đơn giản và dễ dãi nên có thể thích nghi mọi hoàn cảnh sống ở xứ người. Hóm hỉnh khi nói về Sài Gòn, anh nhận xét đây là thành phố thú vị. Anh yêu ẩm thực Việt như phở, bún chả, bánh xèo và cà phê rất ngon. Dù khá sợ khi tham gia giao thông, anh vẫn có thể ứng phó. Xa gia đình gần 3 năm, với anh cũng không phải vấn đề gì to tát vì mỗi cuối tuần, anh sẽ bay về Singapore thăm gia đình. Tuy nhiên khi nhắc đến nghề giáo, anh nói nó không dễ dàng. Dù chỉ dạy lý thuyết, không dạy thực hành nhưng nghề này vẫn khó hơn so với giáo viên dạy lý thuyết đơn thuần ở các trường đại học”, anh nói.

“Giáo viên dạy bay” là nghề đặc biệt

 

Với Albert, giáo viên dạy phi công là nghề rất khác, không giống bất kỳ thầy cô giáo nào bởi họ đang đào tạo những người sau này sẽ nắm trong tay hàng trăm sinh mệnh trên mỗi chuyến bay. Vì thế, mọi công tác chuẩn bị, giảng dạy, thông tin đến sinh viên đều phải chỉn chu, chuẩn xác, không có bất kỳ sai sót nào, tương tự phi công đang lái máy bay.

Hiện nội dung công việc của Albert chia làm hai phần: giảng dạy và quản lý. Hàng ngày, anh chuẩn bị dụng cụ dạy học, giáo án… cho 3 môn học, song song đó là lên kế hoạch giảng dạy, thiết kế bài giảng… Ngoài ra, phải luôn đảm bảo hai điều kiện: kiến thức vững và kỹ năng truyền đạt đến sinh viên tốt.

Kiến thức là điều quan trọng với một giáo viên. Albert chia sẻ, anh trau dồi mỗi ngày bởi mọi thứ trên thế giới này luôn chuyển động, bạn phải cập nhật nếu không sẽ tụt hậu. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ bởi có rất nhiều người giỏi, kiến thức sâu và rộng nhưng không biết cách truyền tải đến sinh viên. Đó mới là thứ quyết định bạn có phải là một giảng viên tốt hay không.

Albert Tiong

Với Albert, giáo viên dạy phi công là nghề rất khác, bởi họ đang đào tạo những người sau này sẽ nắm trong tay hàng trăm sinh mệnh trên mỗi chuyến bay. (Ảnh: Bay Việt).

Nghề giáo mang đến cho anh cơ hội trải qua nhiều điều hay ho. Có lẽ thú vị nhất là “đôi khi, tôi cảm thấy như mình có khả năng đọc suy nghĩ của sinh viên”, anh nói. Bởi các sinh viên không phải lúc nào cũng biết diễn đạt nhưng là một giáo viên, anh cần phải hiểu đúng ý họ. Mặc khác, khi làm việc ở Việt Nam, ngôn ngữ, văn hóa khác nhau nên để hòa hợp với sinh viên, anh đã phải điều chỉnh lại thói quen, suy nghĩ của bản thân.

“Albert vẫn luôn học hỏi và thay đổi mỗi ngày theo cách sống của người Việt Nam để có thể hiểu những sinh viên Việt của mình. Đó là cách anh cải thiện cách giảng dạy”.

Cách học của phi công tương lai khác so với sinh viên bình thường

 

Thực tế, kiểu học theo lối mòn của các trường phổ thông, đại học thông thường không có tác dụng ở đây. Bởi Bay Việt là nơi đào tạo các phi công sẽ hoạt động trong môi trường làm việc nhóm, làm việc chung với nhiều phi hành đoàn khác nhau. Vì thế ngay từ trên ghế nhà trường, họ cần phải giao tiếp, bàn luận càng nhiều càng tốt. Albert tâm sự, có một điều anh luôn nhắc các sinh viên của mình: các bạn phải thay đổi cách học khi có mặt tại ngôi trường này.

Albert Tiong

Albert luôn nhắc các sinh viên của mình: các bạn phải thay đổi cách học khi có mặt tại ngôi trường này. (Ảnh: Mai Hương).

Thế nhưng không chỉ sinh viên Việt Nam mà đa phần sinh viên trên thế giới, nhất là các nước châu Á đều có xu hướng lắng nghe và yên lặng trong lớp hơn là tham gia ý kiến. Đây là trở ngại lớn nhất với anh khi đứng lớp, đồng thời không phải là điều anh muốn diễn ra trong lớp của mình.

Albert yêu cầu sinh viên tương tác với nhau càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên đôi khi anh vẫn gặp vài sinh viên nhút nhát, không dám thể hiện. Do đó, anh luôn khuyên sinh viên phải học theo một cách khác, bởi chính họ sẽ làm việc trong môi trường đặc biệt mà không phải ai cũng có khả năng thực hiện.

Sinh viên bị rớt môn mới là người gây ấn tượng nhất

 

Albert kể, anh vẫn nhớ như in khóa đầu tiên anh dạy tại Bay Việt là ATP17, đến nay đã đứng lớp 11 khóa, không nhiều nhưng cũng không ít. Anh có thể nhớ mọi học viên của mình và những người gây ấn tượng mạnh với anh không phải là học viên giỏi hay xuất sắc, mà là những người từng có kết quả tệ, thậm chí rớt môn nhưng họ vẫn không bỏ cuộc. Có học viên rớt nhiều đến nỗi anh không thể quên họ. Nhưng với anh, tất cả vẫn ổn nếu sinh viên giữ nhiệt huyết, kiên trì học tập.

Dĩ nhiên, không cần phải tuyên dương những trường hợp như vậy, nhưng với anh, những người như họ thật đáng trân trọng. Các sinh viên này thường tìm đến Albert xin trợ giúp, hỏi anh những vấn đề chưa hiểu dù vốn tiếng Anh của họ chưa giỏi. Không ít bạn tự nhận ra khuyết điểm, đăng ký lớp học thêm tiếng Anh rồi dần dà, họ đủ khả năng tham gia các lớp học chuyên môn nâng cao. Ở những sinh viên như thế, anh học được một điều: “cần cù bù thông minh”. Nếu bạn cố gắng thì chắc chắn bạn sẽ trở thành một phi công giỏi, không kém những người đã có sẵn năng khiếu.

Một trong những môn Albert dạy là General Navigation – môn học khó nhằn. Mỗi bài kiểm tra, sinh viên phải trả lời 60 câu hỏi trong 2 tiếng. Rất nhiều bạn không đỗ ngay lần thi đầu tiên. Thậm chí, một nửa sĩ số lớp bị trượt môn là bình thường. Có sinh viên nghĩ rằng mình trượt, sau đó lại thành công qua môn với điểm số tốt. Nhìn họ vui vẻ, ôm nhau chúc mừng, giây phút đó anh thấy mình thật sự hạnh phúc.

Albert Tiong

Theo Albert “Nếu bạn cố gắng thì chắc chắn bạn sẽ trở thành một phi công giỏi, không kém những người đã có sẵn năng khiếu”. (Ảnh: Bay Việt).

Sau hơn 2,5 năm giảng dạy tại Bay Việt, không ít học viên của Albert Tiong đã trở thành phi công nhưng họ vẫn không quên “người lái đò” đã đưa họ sang sông. Thỉnh thoảng, anh vẫn được các cựu sinh viên quay lại trường thăm hỏi. Với anh, đây là điều ý nghĩa nhất khi được đứng trên bục giảng.

Thu Thảo – Mai Hương