[20/11] Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên – người chắp cánh ‘ước mơ bay’

Gần 40 năm kinh nghiệm làm chủ những cánh bay hiện đại và gắn bó với bầu trời, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên là một trong những gương mặt gạo cội của VNA. Không chỉ trực tiếp thực hiện các chuyến bay quan trọng, ông còn tham gia công tác giảng dạy suốt 32 năm qua, là bậc thầy của nhiều thế hệ phi công trong nước.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên – người chắp cánh ‘ước mơ bay’ (Ảnh: NVCC).

32 năm cần mẫn “gieo hạt”

 

Xuất phát điểm là phi công quân sự, sau khi tốt nghiệp ông Nguyễn Nam Liên được giữ lại làm giáo viên ở trường Sỹ quan không quân Nha Trang. Năm 1990, ông chuyển sang hàng không dân dụng, trở thành cơ trưởng rồi giáo viên tại đoàn bay 919 thuộc Vietnam Airlines. Hiện ông là Hiệu trưởng Trường phi công Bay Việt, vừa tham gia đào tạo phi công cơ bản lẫn phi công trên các máy bay lớn.

Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên có xuất phát điểm là phi công quân sự (Ảnh: NVCC).

Nói về nghề giáo, cơ trưởng cho biết: “Khi bắt đầu đào tạo một lứa học viên mới, tôi cảm thấy như đang gieo hạt cho một mùa vụ. Cứ như vậy, biết bao vụ mùa đã trôi qua, mỗi lần đứng trước học viên mới, tôi lại nhớ mình đã từng một thời như họ, khao khát trở thành phi công”.

Theo ông, các chàng trai, cô gái phải đam mê và quyết tâm khi muốn trở thành phi công. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Yếu tố quan trọng nhất với phi công là tính chuyên nghiệp, luôn tuân thủ các quy định và kỷ luật. Họ phải hiểu nghề này liên quan đến sống chết. Ước mơ rất cao quý nhưng không dễ thực hiện. Khi bạn chấp nhận con đường này, đồng nghĩa chấp nhận luôn phải thử thách, học tập cả đời”.

Theo ông, các chàng trai, cô gái phải đam mê và quyết tâm khi muốn trở thành phi công (Ảnh: NVCC).

Cơ trưởng Nam Liên cũng chỉ ra việc huấn luyện phi công nam và phi công nữ có sự khác biệt. Hạn chế lớn nhất của học viên nữ là cảm xúc. “Phụ nữ thường cần mẫn, chu đáo, kiên nhẫn hơn đàn ông, nhưng giàu cảm xúc. Họ dễ thất vọng buồn bực, ấm ức khi bay không thành công một đoạn, sau đó khó tập trung tư tưởng khi thực hiện đoạn bay tiếp theo. Nhiệm vụ của chúng tôi là khiến họ lạnh, “lì lợm” hơn, làm chủ được cảm xúc bản năng”.

Ông hóm hỉnh: “Kinh nghiệm dạy học viên nữ của tôi chưa nhiều; Họ có thể được ứng xử châm chước hơn đôi chút, song ngược lại cũng có thể làm tôi thận trọng hơn”.

Những mùa quả ngọt

 

Trong 32 năm bay và giảng dạy, cơ trưởng Nam Liên đã trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo hàng trăm học viên. Bằng sự nhạy cảm của người thầy, ông phán đoán được học viên đó có năng khiếu để trở thành phi công hay không trong thời gian rất ngắn.

Ông còn thường nói với phụ huynh của học viên rằng: “Hôm nay tôi nhận từ anh (chị) một chàng trai (cô gái), hai năm nữa tôi sẽ trả lại cho anh (chị) một phi công”.

Vị hiệu trưởng cho biết, trong suốt quá trình dạy, rất nhiều học trò khiến ông tự hào và hãnh diện. Có những người đang ở vị trí cao trong đoàn bay, ví dụ như đoàn trưởng Tô Ngọc Giang.

Cơ trưởng Nam Liên đã trực tiếp hoặc gián tiếp đào tạo hàng trăm học viên (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, một câu chuyện cách đây gần hai mươi năm ông còn nhớ rất rõ. Đó là trường hợp một học viên nam mắc chứng “sợ mặt đất”. Trong quy trình bay, máy bay gần đến mặt đất phi công phải luôn giữ máy bay đến một độ cao nhất định, sau đó kéo bằng để tiếp đất đúng trục đường bằng, đúng tầm. Nhưng học viên đó vì bị chứng “sợ mặt đất”, khi sắp hạ cánh lại kéo máy bay lên và ra bằng.

Nhiều thầy đã thử sức huấn luyện nam học viên nhưng đều bất thành. Lúc này tổ giáo viên đã thảo luận, quyết định bố trí cơ trưởng Nam Liên kèm cặp học viên đó. Ông đã bay cùng học trò, bằng phương pháp riêng giúp anh vượt qua nỗi sợ khi tiếp đất, biến một người suýt bị loại trở thành phi công thực thụ. Người học viên đó nay đã là cơ trưởng trên loại máy bay thân rộng của VNA.

Niềm vui khi con trai là đồng nghiệp

 

Cơ trưởng có ba người con, hai con trai đang là phi công VNA, một người là cơ phó A350, một người bay trên A321. Cô con gái thì học thiết kế nội thất ở Mỹ. Ông cho biết ba bố con thường xuyên nói chuyện với nhau về công việc. “Tôi vui vì có các con cùng chia sẻ niềm đam mê và có thể dạy được con phương pháp luận cũng như tư duy giải quyết các vấn đề”.

“Thuyền trưởng” của trường Bay Việt kể lại ông và con hiểu nhau đến nỗi chỉ cần con trai nói về một tình huống tổ bay gặp phải, ông hiểu ngay vấn đề, lập tức ôn lại cùng con phần đó. “Cùng là phi công, ngoài tình cảm ruột thịt, chúng tôi có thêm sự gắn bó bằng tình đồng nghiệp có cùng mục đích, ước nguyện sống. Mọi người cha có con chung chí hướng với mình, đều hạnh phúc như tôi thôi”, ông tâm sự.

Khi đặt gia đình và công việc lên bàn cân, cơ trưởng Nam Liên cho rằng: “Cuộc sống của phi công chúng tôi là cái tủ có nhiều ngăn kéo, với ngăn kéo công việc chia nhỏ ra các ô có tên lần lượt gọi là London, Tokyo, Hàn Quốc… Ngăn kéo gia đình – hậu phương lớn nhất, nhưng ta cũng không thể bỏ qua những ngăn kéo khác, phải cân bằng mọi thứ”.

Cảm xúc về VNA

cơ trưởng Nguyễn Nam Liên

Là thế hệ phi công kỳ cựu của VNA, ông vào VNA khi công ty bắt đầu giai đoạn chuyển đổi công nghệ, từ một hãng hàng không chưa có tên trên bản đồ hàng không thế giới, bay vài chuyến một ngày, chuyển mình thành hãng hàng không 4 sao tầm cỡ quốc tế (Ảnh: Vũ Tuấn).

Trải qua quãng thời gian dài gắn bó với “ngôi nhà” VNA, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên đã vun đắp một tình cảm sâu đậm với công ty. “Với nhiều người, VNA chỉ là tên, còn với tôi đó là cả một sự nghiệp”.

Là thế hệ phi công kỳ cựu của VNA, ông vào VNA khi công ty bắt đầu giai đoạn chuyển đổi công nghệ, từ một hãng hàng không chưa có tên trên bản đồ hàng không thế giới, bay vài chuyến một ngày, chuyển mình thành hãng hàng không 4 sao tầm cỡ quốc tế, mang hình ảnh của đất nước đi khắp năm châu.

cơ trưởng Nguyễn Nam Liên

Trải qua quãng thời gian dài gắn bó với “ngôi nhà” VNA, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên đã vun đắp một tình cảm sâu đậm với công ty (Ảnh: NVCC).

Sự phát triển của tổng công ty khiến ông tự hào và mong muốn “VNA vươn cao vươn xa, khẳng định mình tốt hơn nữa, đội ngũ phi công đạt chuẩn mực cao nhất, an toàn bay được quan tâm tốt nhất, trở thành niềm tự hào cho đất nước”. Để làm được điều này, “thuyền trưởng” nói: “VNA cần phải năng động, linh hoạt hơn để thích ứng với những biến đổi của cuộc sống thực tiễn”.

cơ trưởng Nguyễn Nam Liên

Ông khẳng định: “Tôi mong muốn được cống hiến cho công ty đến ngày còn được phép cống hiến, đó là niềm hạnh phúc, đam mê của tôi” (Ảnh: Vũ Tuấn).

Về bản thân, cơ trưởng khẳng định: “Tôi mong muốn được cống hiến cho công ty đến ngày còn được phép cống hiến, đó là niềm hạnh phúc, đam mê của tôi”. Nghĩ về thế hệ kế cận, ông trầm ngầm: “Tôi mong muốn thế hệ con em cũng mang tình yêu sâu sắc đối với bầu trời, có niềm khát khao cống hiến cho nghề nghiệp và xứng đáng để được ghi nhận trong sự nghiệp như lớp cha anh”.

Thu Thảo