[Longform – 20/11] Thầy giáo Phi công 47 năm kinh nghiệm: ‘Yêu bầu trời, thích cảm giác làm chủ phi cơ’

“Cơ trưởng Châu Phòng hiện đang là Giảng viên bộ môn MCC, JET FAM và UPSET RECOVERY tại Trường Phi công Bay Việt (Ảnh: NVCC).

Chào bác, bác có thể chia sẻ cơ duyên đưa bác đến với nghề phi công

Tôi sinh ra ở Quảng Trị – mảnh đất miền Trung nghèo khó nhưng hiếu học. Từ nhỏ tôi đã yêu cảm giác bay lượn, điều khiển máy móc. Những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, tôi quyết theo nghề phi công. Sau nhiều năm tháng học tập không ngừng, năm 1972, tôi trúng tuyển phi công và vào làm cho hàng không Mỹ. Sau 43 năm làm chủ bầu trời ở Mỹ, năm 2015, tôi nghỉ hưu. Bốn năm nay tôi về nước, trực tiếp đào tạo, huấn luyện lớp phi công trẻ của VNA.

Bác có thể kể kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hơn bốn thập kỷ theo nghề phi công?

Rất nhiều kỷ niệm, kể ra không hết. Ngày 11/9/2001, tôi điều khiển phi cơ từ Đức về Philadelphia, Mỹ. Khi gần đến sân bay, chúng tôi nhận thông báo tất cả phi cơ phải chuyển hướng, không được phép bay vào không phận Mỹ. Suốt hai ngày trời, tuyệt đối không một chuyến bay nào được thực hiện, không phi cơ nào được phép cất, hạ cánh ở Mỹ. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra, tôi và phi hành đoàn phải trấn an mọi người để tìm cách xử lý tình huống. Lúc ấy tôi điều khiển máy bay quay đầu và bay vòng trên biển Đại Tây Dương, tìm chỗ đáp xuống. Khi nhìn thấy bên tay phải là đảo Iceland, tôi xin hạ cánh để chờ hết lệnh cấm, bay về Mỹ.

Tại Iceland, qua tin tức, chúng tôi mới biết 19 tên nhóm không tặc thuộc al-Qaeda cướp hai máy bay chở khách lao vào Tòa Tháp đôi cao đến 110 tầng tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Manhattan (New York), khiến hai tòa tháp sụp đổ và gần 2.977 người thiệt mạng. Nhóm khủng bố còn cướp hai máy bay khác, một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc, chiếc còn lại rơi xuống cánh đồng gần thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania khiến toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn tử nạn. Khi tòa tháp đôi sụp đổ, hàng nghìn lính cứu hỏa, cảnh sát New York không quản nguy hiểm xông vào hiện trường cứu nạn nhân. Trong số 2.977 người thiệt mạng trong vụ khủng bố, có 343 lính cứu hỏa New York. Đến giờ tôi vẫn không quên ký ức ấy, đó là một trong những giai đoạn đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.

Từ phi công trưởng kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ giảng dạy, nhưng năm đầu đứng lớp, cảm xúc của bác như thế nào?

Tôi giảng dạy cho sinh viên không quân Mỹ từ những năm 1980, 1990. Chỉ cần giảng những tình huống điều khiển phi cơ, kỹ năng làm chủ bầu trời, tôi đều thấy hào hứng, nhiệt huyết, cho dù lần đầu hay lần cuối đứng lớp.

Ở Mỹ, tất cả học sinh lớp 12 phải trải qua tuần lễ hướng nghiệp. Các trường thường mời chuyên gia đủ lĩnh vực, ngành nghề chia sẻ với học sinh công việc và hướng đi tương lai. Mỗi lần nghe nói về nghề phi công, các bạn đều thích thú.

Về VNA bốn năm nay, tôi có dịp truyền đạt những thứ mình từng trải qua, những trở ngại, tình huống khẩn cấp khi bay và kinh nghiệm, kiến thức cho các cháu. Lý thuyết MCC rất nặng, tất cả gói gọn trong 6 ngày. Các giáo viên phải dạy bằng tâm để các cháu thực sự hiểu. Vì tiếng Anh là tiêu chuẩn quốc tế, khi giảng bài không được giảng bằng tiếng Việt, làm sao để các cháu nắm hết kiến thức là nhiệm vụ của người dạy.

Trước khi vào học lớp MCC thì các học viên phi công phải trải qua khóa học nào và Bác đặt quy tắc gì cho các học viên của mình khi đến lớp?

Tôi yêu cầu các cháu phải nghiêm túc và đam mê thật sự. Chỉ khi yêu bầu trời, họ mới có hứng thú, chịu khó trau dồi kiến thức. Trước khi vào lớp của tôi, các học viên phải hoàn tất lớp lý thuyết ATP, có bằng bay PPL (bằng lái tàu bay tư nhân), CPL (bằng lái tàu bay thương mại), IR (Năng định bay thiết bị trên máy bay nhiều động cơ). Khi đó, học viên đã có kiến thức, đã biết lái máy bay, nhưng chỉ là lái trên máy bay nhỏ. Khi học viên lái máy bay thương mại chở khách, đòi hỏi phải được huấn luyện trong môi trường tổ bay, đó chính là nội dung khóa học MCC của tôi.

Bác có thể chia sẻ kỹ mục đích môn học của bác?

Nội dung tôi dạy là phối hợp với tổ bay. Một chuyến bay thật sự phải có cơ trưởng, cơ phó, 4 tiếp viên. Hàng không có nhiều mảng, nhiều công việc liên quan. Ví dụ dưới đất có người chở đồ ăn; người đưa thực phẩm, hàng hóa lên; người sắp xếp hành khách ngồi… tất cả mọi việc đều phải phối hợp với nhau nhuần nhuyễn. Sau khi phối hợp xong với bộ phận mặt đất, lên phi cơ, cơ trưởng và cơ phó lúc bay phải phối hợp với nhau. Đó là mục đích của môn học.

Sau khi các cháu thành công ở lớp này, nghĩa là các cháu đã biết làm việc với nhau cơ bản theo nhóm. Vấn đề bay không còn quan trọng, quan trọng là phải phối hợp với nhau như thế nào để hoàn tất công việc; phải liên lạc với ai để đưa máy bay và hành khách từ điểm A đến điểm B được an toàn.

Với các học viên, bài giảng nào khó nhất thưa bác?

Bài khó nhất là bay bằng thiết bị, tức là bay trong trường hợp không thấy gì bên ngoài, tất cả phải nhìn lên đồng hồ để biết mình đang ở đâu, đi đến đâu và mình sẽ làm gì để đáp xuống. Điều ấy rất khó khăn. Việc này các cháu chưa quen nên phải học để biết từng giai đoạn một.

Lúc huấn luyện học viên phi công, tôi luôn kể những câu chuyện thực tế để bài học sinh động, hấp dẫn, giúp các cháu dễ hình dung. Bởi không phải mọi việc đều diễn ra đúng lý thuyết, khi ra thực tế mọi việc nhiều khi đi chệch hướng, bản thân các bạn phải tìm cách giải quyết.

“Tôi luôn nói các cháu hãy xem máy bay là người tình, nên đối xử với chúng nhẹ nhàng vì chúng có thể lật ngược giết chết mình. Câu tôi hay nói với các bạn: lấy mây trời bầu bạn, lấy máy bay làm người tình là nghề của phi công”.

“Tôi luôn nói các cháu hãy xem máy bay là người tình, nên đối xử với chúng nhẹ nhàng”. (Ảnh: NVCC).

Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ làm chủ bầu trời sẽ không thể bằng nam giới. Bác nghĩ sao về điều này?

Tôi không đồng ý quan điểm ấy, ăn thua là ở sức mạnh và thể lực của mỗi người. Phụ nữ vốn tỉ mỉ, cẩn thận, nếu có thể lực tốt có khi họ còn làm chủ bầu trời tốt hơn nam giới. Câu đầu tiên tôi thường dạy học viên của mình phải có “tinh thần minh mẫn trong một thân thể cường tráng”. Nam hay nữ đều phải đầu tư thể lực.

Bản thân tôi là minh chứng. Mỗi ngày, 4h sáng tôi thức giấc, chạy hai tiếng đồng hồ. 6h tôi tắm rửa và đến sân bay. Các học viên phi công nên tập thói quen ấy ngay từ lúc này, phải tập để có thể lực chứ không phải lên ngồi là bay. Ví dụ, tối ngủ không được, sáng phải đi bay thì đầu óc không thể minh mẫn điều khiển phi cơ. Bởi không phải lúc nào bay từ A đến B đều suôn sẻ, có rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình bay. Bởi vậy khi dạy tôi luôn nhấn mạnh với các bạn, nam nữ không quan trọng, quan trọng là đầu tư thể lực.

Truyền đạt kiến thức cho học viên phi công nam và nữ có khác biệt nhiều không thưa bác?

Nhiều lắm. Lối suy nghĩ của người nam và nữ rất khác nhau. Ông trời cho nam giới sự mạnh mẽ, còn con gái thì nhẹ nhàng, mềm mại. Đơn cử như con gái út của tôi hiện 29 tuổi. Con bé học võ từ nhỏ, 16 tuổi đi học bay, 23 tuổi làm trưởng phi công kiêm dạy võ, lối suy nghĩ của con bé rất đặc biệt, mạnh mẽ nhưng rất cảm xúc và mềm mại nhất định.

Cùng một sự việc và tình huống, tôi có thể nặng lời với các bạn nam, còn với học viên nữ phải nhẹ nhàng, lựa lời để các cháu không xúc động. Ở Mỹ, giáo viên phải cẩn thận trong lời nói, những câu vui đùa có thể bị khép vào tội lạm dụng tình dục bằng lời nói, rất nguy hiểm. Con gái không mạnh mẽ như con trai nên tôi phải cẩn thận.

Tôi thường dạy các cháu phải mạnh mẽ lên, đúng nói đúng, sai nói sai và mạnh dạn ý kiến khi không hiểu. Hiện thế giới số lượng phi công nữ đang thiếu một cách trầm trọng, cần phải khuyến khích nữ theo nghề để cân bằng đội ngũ phi công nam – nữ.

Bác đánh giá thế nào về trình độ phi công Việt Nam so với thế giới?

Nếu nói về kỹ năng, sự khéo léo thì Việt Nam mình có thừa, không thua ai. Chúng ta chỉ cần có thêm kinh nghiệm để gánh vác tất cả mọi việc liên quan đến hàng không, giúp hàng không Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Đó là mong ước của tôi và đội ngũ giáo viên cần huấn luyện các cháu thành những phi công vừa giỏi, vừa an toàn.

Cảm xúc của bác khi được đón ngày lễ 20/11 tại Việt Nam?

Ở Mỹ không có ngày nhà giáo, không vinh danh, ca ngợi đội ngũ giảng dạy như Việt Nam. Tôi rất thích phong tục người Việt Nam, lúc nào cũng “Con chào thầy” và cúi đầu trang trọng. Trong khi người Mỹ chỉ “Hello”, không bao giờ dùng danh từ “thầy”. Có lần, một phi công đã đeo đến ba gạch trên vai áo (cấp bậc rất cao của phi công) gặp tôi, cậu ấy tắt máy xuống xe và cúi đầu “con chào thầy ạ”, dù tôi chưa từng dạy cậu ấy. Tôi rất vinh dự và hãnh diện.

Về giảng dạy ở VNA 4 năm, năm nào tôi cũng nhận được hoa và những lời chúc đáng nhớ. Tôi hạnh phúc lắm. Tôi thường nói các thầy cô rằng: chúng ta cần có tâm thật sự để truyền đạt lại cho các thế hệ sau.

Cuộc sống gia đình của bác thế nào khi bác giảng dạy ở Việt Nam?

Gia đình tôi vẫn định cư ở Mỹ. Sau nghỉ hưu, tôi vẫn muốn cống hiến nên về Việt Nam làm cho VNA và bay qua bay về hai nước thường xuyên.

Tôi kết hôn năm 27 tuổi, khi đã qua Mỹ sống vài năm. Lúc đầu thấy chồng đi bay nhiều, vợ tôi cũng phản đối, nhưng sau bà ấy hiểu đó là đặc thù nghề nghiệp và thông cảm cho tôi. Nghề này là vậy, bạn không chỉ đi một, hai ngày mà 5-10 ngày, có khi cả tháng là thường tình.

Ngày xưa, internet, điện thoại, viber không phát triển như bây giờ, liên lạc với gia đình khó khăn. Mỗi lần đưa phi cơ đến một đất nước nào đó, tới khách sạn, tôi liền mua mấy thẻ cào để gọi cho vợ con, hỏi thăm tình hình cả nhà. Ba con của tôi (hai gái, một trai) đều được mẹ chăm sóc và cha dạy bảo qua điện thoại. Cả ba đều tốt nghiệp đại học, ngoài con gái út theo nghề cha làm phi công, hai người con còn lại của tôi đều làm lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Mỹ.

Tôi và con gái vẫn trò chuyện mỗi ngày, về công việc lẫn cuộc sống. Con bé hay kể với cha những trường hợp gặp khi bay và cách giải quyết tình huống tương tự. Lúc ấy tôi sẽ lấy kinh nghiệm của mình chia sẻ với con.

Con gái út của bác Châu Phòng theo nghề cha làm phi công. (Ảnh: NVCC).(Ảnh: NVCC).

Mong muốn và kế hoạch của bác trong tương lai?

Tôi mong tương lai gần, tất cả chức vụ cơ trưởng, cơ phó của ngành hàng không sẽ do người Việt Nam nắm giữ, không còn là vị trí của người nước ngoài.

Còn bản thân tôi, vẫn yêu bầu trời, yêu nghề phi công như buổi đầu. Còn khỏe, tôi còn dạy, khi không khỏe nữa thì đi chơi. Việt Nam mình có rất nhiều cảnh đẹp, tôi chưa có dịp khám phá hết. Ngay cả mong ước được đi Tây Bắc mà chưa đi được vì bận huấn luyện học viên phi công. Tương lai nhất định tôi sẽ thực hiện.

Bài: Thu Thảo, Thiết kế: Minh Hoà