Nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương: Kỳ 1 – Ước mơ chinh phục bầu trời

Là một người con của mảnh đất Tuy Hoà – Phú Yên, nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương đã có những trải lòng về hành trình đến với ước mơ chinh phục bầu trời trên báo Phú Yên.

Sau chuyến bay dài từ Seoul (Hàn Quốc) về phi trường Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), chiếc máy bay Airbus A321 đáp xuống đường băng. Cơ trưởng người nước ngoài hỏi cơ phó Huỳnh Lý Đông Phương: “Em có mang theo cầu vai cơ trưởng không?”. Đông Phương gật đầu. “Em gắn vào đi. Chúc mừng em, em đã là cơ trưởng!”. Phương gắn cầu vai bốn vạch rồi quay sang bắt tay thầy giáo – đồng nghiệp.

Khoảnh khắc tuyệt vời đó diễn ra hơn 4 năm trước, Huỳnh Lý Đông Phương trở thành một trong hai nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam khi cô vừa tròn 27 tuổi.

Quê gốc của Huỳnh Lý Đông Phương ở phường 5 (TP Tuy Hòa). Đông Phương chào đời tại Brucxell (Bỉ) vào năm 1987, với tên gọi thân thương là bé Vi. Từ bé, Vi không thích búp bê, gấu bông, trò chơi mua bán… mà suốt ngày mân mê máy bay, xe tăng, ô tô tải. Trong căn phòng riêng, Vi được ba mẹ mua sắm những gì cô bé thích. Về quê, Vi thích biển Tuy Hòa trong xanh, có nhiều doi cát để chạy nhảy, tắm nắng, thích món ăn dân dã ở xứ Nẫu có rau muống xào tỏi, canh chua cá lóc, chè đậu ván, kem gói… Nhưng thích nhất là khu vườn xanh bóng cây ăn quả của ngoại giữa lòng thành phố. Nhiều lần được ba mẹ đưa về quê hương nên những hình ảnh ấy khắc sâu trong tâm trí. Vi ước mơ sau này sẽ trở thành nữ phi công chinh phục bầu trời và trở về với quê nhà yêu dấu.

Nữ phi công Huỳnh Lý Đông Phương bên người thân, tại sân bay Tuy Hòa. (Ảnh: Huỳnh Thạch Thảo).

“Hãy sống với ước mơ”

Huỳnh Lý Đông Phương sinh trưởng trong một gia đình có ba mẹ làm kinh doanh. Phương học giỏi các môn tự nhiên, được những giáo viên người Bỉ khuyên nên đi vào ngành kỹ thuật, kinh tế. Ba Phương, ông Huỳnh Xuân Sang, muốn con mình theo nghiệp kinh doanh của gia đình. Nhưng Phương thích bay trên bầu trời và ấp ủ ước mơ trở thành một nữ phi công giỏi. Cô đã lén ba mẹ đăng ký tham gia cuộc thi tuyển chọn, đào tạo phi công quân sự của Bỉ, chuyên lái máy bay chiến đấu.

Người đầu tiên phát hiện sự việc là ba Phương. Ông cứ ngơ ngác nhìn đứa con gái út rồi lắc đầu thở dài. Còn mẹ cô, bà Lý Thị Hoa, đã khóc ngất. Bà nhờ người thân tìm cách khuyên can Phương khi cô đã vào trường huấn luyện bay Aviation Aecdemy. Kết thúc khóa học, cô gái cao 1m74 có ánh mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ này bị trượt (vì trường đào tạo phi công quân sự chỉ chọn 2/1.400 học viên các nước). Cả nhà đã cúng heo quay ăn mừng cho dù Phương rất buồn.

Ngày Huỳnh Lý Đông Phương tốt nghiệp phổ thông với tấm bằng xuất sắc toàn diện, cả nhà chúc mừng, sau đó cùng trở về Tuy Hòa để Phương nghỉ ngơi bên người thân. Ông Huỳnh Xuân Sang sau những đêm mất ngủ, đã hỏi con gái: “Bé Vi cho ba biết lý do khiến con không muốn học kinh doanh, quản lý kinh tế? Con không muốn nối nghiệp gia đình hay sao?”. Lý do của Phương chỉ có một, như bao lần nói với mẹ: “Con muốn trở thành phi công. Đó là ước mơ của con từ nhỏ, giờ con sẽ thực hiện”. Ba Phương đồng ý theo con gái đến một trường đào tạo phi công ở Bỉ để tìm hiểu. Tại đây, ông gặp hiệu trưởng của trường – một phụ nữ. Cả hai trò chuyện như cởi mở tấm lòng.

Sau khi từ trường đào tạo phi công trở về, ông Huỳnh Xuân Sang nhìn Phương, gật đầu: “Ba đồng ý, người phụ nữ cần phải mạnh mẽ và bản lĩnh”. Và ông đã giải thích cho mẹ Phương hiểu, ủng hộ quyết định của con gái. Tháng sau, ông bị đột quỵ và qua đời. Huỳnh Lý Đông Phương suy sụp vì chỗ dựa của mình đã không còn. Vào một đêm khuya, mẹ Phương ngồi một mình nơi phòng khách. Thấy con gái bước ra, bà nói: “Mẹ rất sợ con vô trường đào tạo phi công. Đó là một nghề vô cùng nguy hiểm. Mẹ luôn muốn ở bên các con”. Và Phương, sau những phân vân về tương lai cùng với nỗi đau, nỗi sợ của mẹ, đã quyết định vào trường Slovay – một trường kinh tế hàng đầu của Bỉ.

Mẹ luôn ở bên Phương, quan sát từng trạng thái con mình mỗi ngày. Sau hai năm học, bà lẳng lặng đi chọn trường rồi nói với Phương: “Cuộc đời ngắn ngủi quá, như cuộc đời ba của con, nên con hãy sống với ước mơ của mình. Mẹ mong ước mơ của con thành hiện thực”.

Vượt qua thử thách

Huỳnh Lý Đông Phương trở thành một trong hai nữ cơ trưởng đầu tiên của Việt Nam khi cô vừa tròn 27 tuổi. (Ảnh: Thanh Hồ).

Vậy là Huỳnh Lý Đông Phương, nữ cơ trưởng sau này, vào trường ESMA (Montpellier) ở miền Nam nước Pháp – một ngôi trường nổi tiếng về đào tạo phi công của thế giới. Nhưng muốn thực hiện được ước mơ, Phương phải vượt qua những thử thách mới khi 31 học viên cùng khóa đều là con em trong ngành. Họ đã sống trong bầu không khí gia đình phi công và có kiến thức cơ bản về hàng không. Phương là một trong bốn học viên nữ đến từ các nước bên cạnh các chàng trai vạm vỡ, cao to; mỗi lần có sơ suất thì họ cười ồ. Có lần, thầy giáo dạy bay nhìn các nữ học viên trong giai đoạn làm quen các loại máy bay, khoang lái, bay cảm giác… đã nói với họ: “Các em sẽ không quen và không theo nổi nghề này đâu!”. Nghe vậy, Huỳnh Lý Đông Phương lại càng quyết tâm thực hiện ước mơ.

Trên các chuyến bay huấn luyện, giáo viên đặt ra rất nhiều tình huống để rèn các kỹ năng cần thiết cho học viên, đặc biệt là kỹ năng xử lý những tình huống nguy hiểm. Không chỉ thông minh, học viên cần phải thông thạo, đáp ứng đòi hỏi từng pha xử lý đầy nguy hiểm khi giáo viên yêu cầu. Chẳng hạn, vừa cất cánh lấy độ cao, thầy yêu cầu nhắm mắt rồi bất ngờ ra tình huống chao cánh, nhào lộn và buộc mở ngay mắt thì Phương đã thấy chao đảo. Tuy nhiên tay cô vẫn cầm chặt cần lái để đưa máy bay về trạng thái cân bằng. Những cơn say máy bay sau đợt mổ ruột thừa lúc Phương 13 tuổi như có dịp trở lại “khiêu khích” cô suốt gần ba tháng mới chấm dứt.

Phương nhớ, có lần bị sốt cao thì giờ bay cảm giác đã đến. Phương vẫn cố gắng lên lớp và sau các pha nhào lộn, cô đã nôn vào chiếc áo bay gile vàng. Thầy giáo nghiêm khắc: “Cô không bao giờ trở thành phi công được!”. Về đến phòng ở dành cho học viên, Phương đã òa khóc, tự hỏi: “Mình có sống ảo tưởng quá không? Hay giấc mơ bay đã ám ảnh mình?”. Và có lúc, Phương định bỏ tất cả để về bên mẹ. Nhưng sau đó, liền ngay sau đó, cô tự nhủ: “Không được! Nếu từ bỏ thì mình sẽ không còn là con của ba Sang, sẽ không thực hiện được ước mơ với bầu trời rộng mở mà ngay từ bé mình đã yêu thích”.

Sau ba tháng học bay cảm giác, trong người Phương đã không còn cảm giác chao đảo, buồn nôn. Cô bước vào kỳ thi lấy bằng phi công tiêu chuẩn châu Âu. Tiếp nối là 12 tháng học lý thuyết với quy chế thi cử khắt khe: Ba tháng thi một lần, mỗi lần thi ba môn, số điểm tối thiểu phải đạt là 75% nhưng chỉ cần trượt một môn là phải học lại toàn bộ. Sau đợt thi đầu tiên, Phương được chọn trong nhóm 10 học viên xuất sắc của trường, đại diện đi thi khu vực. Phòng thi ngày hôm ấy, Phương là nữ duy nhất trong hơn 100 học viên được chọn từ các trường đào tạo phi công trên khắp miền Nam nước Pháp. Khi trở về trường thì mọi ánh mắt xem thường lúc trước đã biến mất, Phương trở thành lớp trưởng suốt thời gian còn lại của khóa học.

Từ đây, Huỳnh Lý Đông Phương thực sự sống với ước mơ của mình.

Kỳ cuối: Bầu trời rộng mở

Theo báo Phú Yên

Le Thi Hang-COMM