Những phi công thay đổi bộ mặt ngành hàng không

Hình ảnh phi công da trắng lái máy bay thường được coi là chuẩn mực, và những phi công da màu muốn thay đổi điều đó.

Cơ phó Courtland Savage đang đi về phía buồng lái, chuẩn bị cất cánh một chuyến bay của United Express đến Bentonville, bang Arkansas thì bị hành khách chặn lại. Họ đưa cho anh túi hành lý để nhờ cất lên khoang chứa đồ.

Savage chỉ mỉm cười và nói: “Xin chào, tôi không phải là tiếp viên. Tôi là phi công”. Anh tin rằng hành khách hành động như thế vì họ không nghĩ một người da màu là phi công.

Hình ảnh một nam phi công da trắng điều khiển máy bay không chỉ là khuôn mẫu, mà còn là tiêu chuẩn. Tại Mỹ, 93,7% phi công chuyên nghiệp là người da trắng; 92,5% là nam giới, theo Tổng cục Thống kê Lao động. Savage là người da màu, và với anh, thay đổi định kiến về việc trở thành phi công là chìa khóa để đa dạng hóa ngàng hàng không.

Năm 2008, Savage, khi ấy còn là chàng trai 17 tuổi ,nói với bạn bè và gia đình về ước mơ chinh phục bầu trời. Nếu một người da màu có thể đắc cử tổng thống thì sao anh không thể trở thành phi công? Anh muốn thay đổi quan điểm sai lệch rằng điều khiển máy bay là công việc chỉ dành cho những người da trắng và giàu có.

Anh muốn thu hút nhiều người trẻ tuổi dấn thân vào một ngành công nghiệp họ luôn nghĩ rằng mình không có chỗ đứng. Savage nói: “Những người không tin rằng họ có thể làm được điều ấy cho tới khi nhìn thấy ai đó giống mình làm được”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lương của anh bị cắt giảm 30% và anh có ít giờ bay hơn trước. Nhưng điều này không ngăn được quyết tâm muốn mở trường dạy bay của anh. Ảnh: Jim Schmid

10 năm sau đó, Savage thành lập Fly for the Culture, tổ chức khuyến khích trẻ em thử bay và cấp học bổng để những người có hoàn cảnh khó khăn thực hiện giấc mơ chinh phục bầu trời. Đây là một trong các tổ chức đang tìm cách cải thiện số liệu thống kê về tính khắc nghiệt của hàng không, phản ánh sự bất bình đẳng đã và đang ăn sâu trong ngành này.

Romello Walters, một người da màu khác, sống ở Philadelphia, đang học lấy bằng phi công thì vô tình thấy thông tin học bổng của Fly for the Culture trên Instagram. Ứng viên muốn nhận học bổng cần nêu chi tiết lý do họ muốn trở thành một phần của ngành công nghiệp này. Walters nhập cuộc, anh ghi mọi suy nghĩ của mình vào email rồi gửi. Và anh được chọn.

Ngoài giờ học bay, Walters giúp Savage điều hành các tài khoản trên mạng xã hội của Fly for the Culture. Anh làm việc tích cực để muốn trở thành một trong những đại diện phi công là người da màu, và khuyến khích những người trẻ khác đi theo bước chân mình. Ảnh: Fly for the Culture

Thông thường, khó khăn mà rất nhiều các học viên phi công phải đối mặt chính là học phí đắt đỏ. Chưa kể, để trở thành một phi công thương mại, họ cần 250 giờ bay. Walters là một ví dụ. Dù nhận được sự hỗ trợ một phần từ Fly for the Culture, giấc mơ đến ngày lấy bằng phi công tư nhân, rồi trở thành cơ trưởng của máy bay thương mại của anh còn rất xa. Các trường dạy bay trước đây có thể hỗ trợ cho học viên vay tiền học phí, nhưng nay chính sách này không còn hiệu lực khi kinh tế toàn cầu suy thoái giữa đại dịch.

Cựu phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Sean Jacob, người đứng đầu trường dạy bay FTA Global ở Anh cũng đồng tình rằng tài chính là rào cản đầu tiên. Phần lớn học viên của anh làm việc để tiết kiệm tiền rồi mới bắt đầu học bay. Họ học bay trong vài tháng, sau đó bảo lưu để kiếm tiền học tiếp. FTA Global cùng các trường dạy bay khác đang đề nghị chính phủ Anh hỗ trợ chi phí đào tạo phi công.

Với các phi công da màu, vượt qua các rào cản tài chính và hành nghề không có nghĩa là cuộc đấu tranh đã kết thúc. C. Angel Hughes là phi công quân sự da màu. Cô học bay khi 16 tuổi và cô nhận thấy rất nhiều phi công da trắng học bay nhờ nối gót theo truyền thống gia đình. Cha ông họ đều là phi công. “Hàng không đã ăn sâu vào máu vì họ được tiếp xúc từ khi còn là những đứa trẻ”, Hughes nói.

Cô cũng thừa nhận rằng phải mất hơn 10 năm mới có cơ hội làm việc trực tiếp với một nữ cơ trưởng da màu khác giống mình. “Khi lớp học chia thành các nhóm nhỏ để thực tập, không ai muốn tôi ở trong nhóm họ. Tôi gần như là cô gái duy nhất trong lớp học. Bạn có xu hướng chơi với những người ngang hàng hoặc giống mình. Đó là bản chất của con người”, Hughes tâm sự.

Điều này không làm Hughes nhụt chí mà chỉ khiến cô thêm quyết tâm đến trường, và tổ chức những cuộc trò chuyện với thế hệ trẻ để thay đổi định kiến về việc đi máy bay. “Bọn trẻ ngạc nhiên vì tôi là phi công và tôi rất thích nói với chúng rằng: ‘Tất nhiên rồi, ở ngoài kia có rất nhiều phi công trông giống cô và giống các cháu'”.

C. Angel Hughes là phi công quân sự, phục vụ trong quân đội Mỹ. Ảnh: CNN

Dù số liệu thống kê chỉ ra phụ nữ da màu chiếm số ít trong ngành hàng không, Hughes biết rằng có nhiều phi công như cô đã phải trải qua những thăng trầm. Vì vậy, cô tìm kiếm những người giống mình để tạo ra một mạng lưới nữ phi công, từ đó khuyến khích những phụ nữ khác tham gia vào lĩnh vực hàng không.

Hughes thành lập tổ chức phi lợi nhuận Sisters of the Skies vào năm 2015. Tổ chức của cô ngày một phát triển và trở thành sân chơi của các nữ phi công da màu. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau và cố gắng nâng cao số lượng phụ nữ da màu trong ngành hàng không.

Hughes gọi nhóm của mình là một không gian an toàn và tin tưởng vào tầm quan trọng của sự cố vấn: “Sẽ có lúc bạn cảm thấy đơn độc. Đó là lúc bạn cảm thấy không ai hiểu được những gì bạn đang trải qua. Khi có một người cố vấn, bạn sẽ không còn thấy đơn độc nữa”.

Hiện tại, tổ chức của cô cung cấp một số học bổng bay cũng như chương trình cắm trại thường niên Girls Rock Wings. Trại hè này quy tụ những cô gái từ 10 – 18 tuổi, giúp họ tiếp cận với thế giới hàng không.

Ngoài sự nỗ lực của các tổ chức tư nhân, Hughes cho rằng các hãng bay cũng nên chung tay để thực hiện đa dạng hóa nhân sự. Nhiều công ty hàng không ngày càng nhận ra thu hút các phi công da màu là điều cần thiết.

Anh Minh (Theo CNN)

Nguồn: vnexpress.net