Chuyến bay thứ 12 đến Hoa Kỳ: Chuyện những người “không chọn việc nhẹ nhàng”

Trước tình trạng sức khỏe của nhiều hành khách có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp,… phi hành đoàn chuyến bay VN1, hành trình HAN-IAD-ANC-VDO đã vượt lên khó khăn, vất vả, trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau đưa 345 công dân Việt Nam hồi hương.

Ngày 11/10, VNA đã thực hiện thành công chuyến bay thứ 12 đến Hoa Kỳ, hành trình HAN-IAD-ANC-VDO (Hà Nội – Washington Dulles – Ted Stevens Anchorage – Vân Đồn), đưa 345 công dân Việt Nam hồi hương.

Chuyến bay ghi nhận số lượng hành khách đăng ký dịch vụ đặc biệt cao nhất từ trước đến nay trong các chuyến bay hồi hương (36 hành khách đăng ký dịch vụ xe lăn sân đỗ, xe lăn cabin). Điều đó đồng nghĩa với việc tổ bay cũng như các CBNV VNA tại TCT và Chi nhánh Mỹ phải nỗ lực thực hiện nhiều công việc phức tạp trong suốt quá trình thực hiện chuyến bay.

Được biết, những hành khách đặc biệt này đều có vấn đề lớn về sức khỏe do có tiền sử các bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ. Vì vậy, tổ bay đã nỗ lực rất lớn để chăm sóc, hỗ trợ khách với hành trình dài hơn 19 tiếng.

Tổ bay hỗ trợ hành khách đau yếu tại Sân bay quốc tế Washington Dulles. (Ảnh: DVHK).

Bên cạnh nỗ lực lớn trong việc chăm sóc đảm bảo sức khoẻ hành khách, điều kiện tại sân bay quốc tế Washington Dulles rất nghiêm ngặt về các nguyên tắc an ninh theo quy định của nhà chức trách Mỹ, chuyến bay của VNA phải hạ cánh tại một nhà ga riêng. Do đó, mọi công tác như soi chiếu an ninh, làm thủ tục lên tàu đều phải thực hiện tại khu vực sân đỗ.

Với số lượng 345 hành khách, trong đó có đến hơn 36 khách cần hỗ trợ xe lăn, cùng điều kiện cơ sở trang thiết bị hạn chế tại sân bay quốc tế Washington Dulles, đại diện, tiếp viên và nhân viên phục vụ phải trực tiếp giúp hành khách mặc đồ bảo hộ và cõng hơn 10 hành khách từ chân cầu thang lên máy bay.

Tổ bay và CBNV VNA hỗ trợ hành sức khoẻ yếu lên máy bay. (Ảnh: DVHK).

Đội ngũ đại diện VNA tại Hoa Kỳ (chỉ có 3 người, trong đó có 1 đại diện trưởng và 1 đại diện của lĩnh vực tài chính và 1 nhân viên địa phương là người Việt Nam) phải di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác để trực tiếp tham gia điều phối công tác khai thác, hỗ trợ các chuyến bay diễn ra thuận lợi và an toàn.

Với sự phối hợp của đội ngũ đại diện và các cơ quan chuyên môn, phi hành đoàn đã rất nỗ lực để đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách trong suốt quá trình bay.

23h15 phút ngày 11/10, chuyến bay đã hạ cánh an toàn tại sân bay Vân Đồn.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng từ trước máy bay hạ cánh nên khi xuống sân bay, các hành khách là người cao tuổi, sức khoẻ yếu đều được trang bị xe lăn, cáng và hỗ trợ y tế kịp thời.

Theo quy chuẩn chung, hành khách luôn lên xuống ở cửa bên trái máy bay.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng các hành khách đều được trang hỗ trợ y tế kịp thời, đảm bảo sức khoẻ trong suốt hành trình. (Ảnh: DVHK).

CBNV Chi nhánh VNA tại Mỹ (ảnh trái) và tổ tiếp viên (ảnh phải) đã nỗ lực rất lớn để đưa 345 hành khách về nước an toàn. (Ảnh: DVHK).

Sau khi thực hiện hành trình bay dài hơn 30 tiếng, toàn bộ phi hành đoàn tiếp tục di chuyển từ Vân Đồn về Hà Nội để thực hiện cách ly theo quy định.

Phi hành đoàn chuyến bay VN1 cũng như CBNV tại Hoa Kỳ có thể chọn “việc nhẹ nhàng”, nhưng là người mang sứ mệnh của Hãng hàng không Quốc gia, vì nghĩa đồng bào, họ đã chọn về mình “phần gian khổ” để hành khách an toàn trở về quê hương và để những cánh bay VNA luôn sải cánh đầy tự hào.

Nguyen Kieu Nga-PSD