[Tết 2021] “Ba năm cầm lái máy bay thì từng ấy lần được đón Tết trên không”

Hơn 3 năm gắn bó với những cánh bay, cơ phó Nguyễn Hồng Hải không còn xa lạ với cái Tết xa nhà để ngược xuôi theo những chuyến bay. Và qua cuộc trò chuyện ngắn cùng VNA Spirit, anh chàng đã có những tiết lộ thú vị về điểm khởi đầu cho tình yêu dành cho bầu trời.

Xin chào Cơ phó Hồng Hải, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân?

Mình tên là Nguyễn Hồng Hải, Cơ phó của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, thuộc đội bay A321. Mình đã gắn bó với những “phòng làm việc” trên không được gần 3 năm. Chính xác là đến tháng 3/2021 tới là chính thức tròn 3 năm.

Được biết bố và anh trai em cũng là phi công, liệu hai người ấy chính là niềm động lực để bạn trở thành phi công như bây giờ?

Ngay từ khi còn là một cậu nhóc, mình đã thường xuyên được nhìn thấy bố mặc đồng phục, xách cặp bay đi bay. Tác phong chuyên nghiệp và thái độ điềm tĩnh của người phi công chẳng biết từ bao giờ đã cuốn hút mình và cũng trở thành xuất phát điểm của ước mơ trở thành phi công.

Kể từ đó, hình tường phi công trở thành chuẩn mực để mình nỗ lực phấn đấu và hướng tới. Với nhiệm vụ chính là kết nối bầu trời, đưa hành khách tới điểm đến an toàn thì đặc thù của nghề phi công là mọi hoạt động trong thời gian làm việc đều diễn ra tại “phòng làm việc” trên không. Điều này đòi hỏi người phi công phải rèn tính kiên nhẫn, kiên trì, làm việc chuẩn chỉnh, đàng hoàng trong mọi thao tác.

“Tác phong chuyên nghiệp và thái độ điềm tĩnh của người phi công chẳng biết từ bao giờ đã cuốn hút mình và cũng trở thành xuất phát điểm của ước mơ trở thành phi công.” (Ảnh: NVCC)

Quyết định trở thành phi công ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, quá trình huấn luyện tại Việt Nam và nước ngoài của bạn diễn ra như thế nào?

Ở Việt Nam và nước ngoài, mình đều đã tham gia khóa học và huấn luyện nghiêm ngặt để nắm bắt những kiến thức về nguyên lý bay, máy bay, hệ thống, thiết bị hàng không, nhân tố khí tượng, lập kế hoạch bay… Đây đều là những kiến thức nền tảng và giúp học viên hiểu biết rõ hơn về nghề bay.

Đối với mình, một điều may mắn là truyền thống gia đình vốn gắn bó mật thiết với nghề phi công nên bản thân mình đã tìm tòi, học hỏi và tiếp cận những kiến thức nền tảng nhất định ngay từ khi còn nhỏ. Do đó, mình không còn bỡ ngỡ và còn có thể tiếp thu nhanh hơn so với anh chị em cùng khóa học.

Quá trình huấn luyện tại Việt Nam và nước ngoài của cơ phó Hồng Hải diễn nghiêm ngặt với những kiến thức về nguyên lý bay, máy bay, hệ thống, thiết bị hàng không, nhân tố khí tượng, lập kế hoạch bay… (Ảnh: NVCC)

Với một gia đình có truyền thống là phi công thì câu chuyện giữa các thành viên có xoay quanh nghề bay không?

Ở trong gia đình thì chỉ có mình với anh trai là nói chuyện về bay, còn bố về nhà là không nói bất kỳ chuyện nào về công việc. Mình nghĩ bố đã làm việc cả ngày rồi nên khi về nhà bố tạm gác công việc sang một bên để dành trọn thời gian cho gia đình. Bố luôn hướng về các câu chuyện xoay quanh gia đình, họ hàng.

Bạn có bao giờ hỏi bố về những cái kỹ năng hay những cái kinh nghiệm trong các chuyến bay không?

Khi tham gia các khóa huấn luyện trở thành phi công thì bố có chia sẻ cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản của nghề bay. Những câu nói, lời dạy đó của bố em vẫn vẫn luôn được mình khắc ghi cho đến hiện tại. Mỗi khi mà mình cảm thấy mất tự tin, như ở trong nghề gọi là bị “đơ” thì bản thân lại nhớ những câu nói của bố để bình tĩnh lại, sáng suốt trước khi đưa ra quyết định và kiểm soát máy bay.

Cụ thể, trên máy bay luôn có rất nhiều thiết bị tự động nên câu nói bố dạy vẫn luôn là kim chỉ nam của mình. Đó là “khi nào mình còn không còn kiểm soát được máy bay nữa thì phải đưa hết nó về cơ bản nhất, về dạng truyền thống nhất để mình bay”.

Bên cạnh đó, bố và mình làm việc ở hai đội bay, hai dòng máy bay khác nhau nhưng trong cuộc sống mà bố vẫn là một người thầy nghiêm khắc chỉ bảo mình rất nhiều thứ. Từ tác phong, thái độ, tính cách đến cách giao tiếp với người ngoài, cấp trên và đồng nghiệp trong công ty. Có thể nói, bố là người thầy đầu tiên của mình từ khi mới chập chững học “bay” cho đến khi trở thành một phi công chuyên nghiệp.

Trong 3 năm bay vừa rồi, kỷ niệm trong nghề mà mình nhớ nhất chắc là lần đầu tiên có cơ hội chở bố em trong năm 2020 vừa qua. Bố là khách và ông không biết chuyến bay đó được con trai mình điều khiển. Khi mình xuống chào bố, ông bất ngờ lắm. Hai bố con khi ấy hoàn toàn chỉ nói chuyện về bay, về công việc mà chẳng biết chán.

“Kỷ niệm trong nghề mà mình nhớ nhất chắc là lần đầu tiên có cơ hội chở bố em trong năm 2020 vừa qua.” (Ảnh: NVCC)

Là người phụ nữ duy nhất trong nhà, liệu bạn có bao giờ cảm thấy mẹ ở nhà có buồn khi ba bố con đều đi bay không?

Có lẽ do đã quá quen với cuộc sống cùng với 3 người phi công nên mẹ cũng hiểu rõ được tính chất công việc nghề bay. Bên cạnh đó, bố và hai anh em cũng đều cố gắng tận dụng thời gian rảnh rỗi ở nhà để cả gia đình lại đi ăn, trò chuyện hoặc đi du lịch cùng nhau.

Gia nhập ngành hàng không 3 năm thì từng ấy cái Tết sải cánh trên những chuyến bay. Ngay sau những hành trình ấy, cả gia đình lại dành thời gian tụ họp với nhau và thường đàu rằng nhà mình ăn Tết sau mọi người.

Với bạn, những chuyến bay Tết khác biệt như thế nào so với chuyến bay bình thường?

Những chuyến bay Tết thật sự là mang đến cho mình cảm xúc rất vui, bởi được chở bà con, người dân đi về quê ăn Tết. Thông thường thì những chuyến bay Tết đều sẽ bay xuyên đêm. Có năm Tết vừa rồi, những chuyến bay Tết của mình kéo dài từ 12h đêm đến tận 8h sáng. Nếu bình thường thì cơ thể có lẽ sẽ mỏi nhừ nhưng mấy hôm đấy là cận Tết nên bản thân cảm thấy mình và tổ bay phục vụ bà con đón Tết vui vẻ nên niềm vui cũng ùa về. Mệt mỏi cũng vì thế mà biến mất.

Mọi năm mình thường đón Tết ở bên gia đình, có thể là ở nhà hoặc đi du lịch cùng nhau. Bởi vậy, cái Tết đầu tiên với VNA cũng là giao thừa đầu tiên mình không ở bên gia đình. Lần đó mình bay đi Bắc Kinh vào đêm 30 Tết và đón giao thừa ở Trung Quốc.

“Được nhìn thấy nụ cười, những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay nhau thật chặt của những hành khách đi xa nhà về đoàn tụ với gia đình chính là động đực để mình cố gắng hơn nữa.” (Ảnh: NVCC)

Theo bạn, một phi công cần có tố chất đặc biệt nào?

Để trở thành phi công thực sự, yếu tố phải có chính là bản lĩnh bởi mình đang điều khiển khối tài sản lớn của Tổng công ty, của Nhà nước. Thứ hai là phải có sức khỏe vì giờ giấc sinh hoạt của phi công không hề ổn định. Mình sẽ không có một giờ giấc nhất định trong một ngày. Có những thời điểm mọi người ngủ thì phi công phải đi làm, còn giờ mọi người đi làm thì phi công lại về với gia đình để nghỉ ngời.

Bởi vậy, khi Tết đã “chạm ngõ”, mình sẽ phải sắp xếp thời gian dành cho gia đình, đồng thời chuẩn bị sức khỏe thật tốt để phục vụ các chuyến bay an toàn. Được nhìn thấy nụ cười, những cái ôm thắm thiết, những cái bắt tay nhau thật chặt của những hành khách đi xa nhà về đoàn tụ với gia đình chính là động đực để mình cố gắng hơn nữa.

Cảm ơn cơ phó Hồng Hải đã tham gia buổi trò chuyện với VNA Spirit.

CTV Cao Phương Thảo