Máy bay chở khách lớn nhất thế giới trông thế nào?

Airbus A380 hiện là dòng máy bay chở khách lớn nhất thế giới, với hai tầng, sức chứa tới 800 khách.

Đây là máy bay thương mại lớn nhất từng được chế tạo, tính theo công suất hoặc khối lượng, nhưng không dài nhất. Danh hiệu đó thuộc về phiên bản mới nhất của Boeing 747: Chiếc 747-8 dài 79,95 m.

Nhưng A380 thực sự vượt trội, với độ cao 24,09 m, sải cánh 79,75m, rộng 7,14 m, trong đó cabin rộng 6,5 m. Trọng tải cất cánh tối đa là 575,155 kg, khoang chở hàng có thể tích tới 175,2 m3.

Cabin máy bay gồm 2 tầng, thường được sử dụng trong cấu tạo gồm đủ 3 hạng: hạng nhất, thương gia và phổ thông. Nó có khả năng chở tối đa 853 hành khách, nhưng con số thực tế thông thường là khoảng 550. Máy bay vận hành tốc độ trung 903 km/h và đạt tối đa 945 km/h. Nó có thể bay liên tục 15.400 km mà không cần hạ cánh.

Tiện nghi sang trọng

Không gian rộng rãi trên A380 cho phép các hãng hàng không cải tiến dịch vụ với những tiện ích sang trọng. Đối với những hành khách bay thường xuyên trong các khoang cao cấp và người đam mê hàng không, đây là ưu điểm hàng đầu của A380. Trên dòng máy bay này, hành khách lần đầu trải nghiệm những căn hộ sang trọng trên trời, với đầy đủ dịch vụ và riêng tư tuyệt đối.

Etihad thậm chí còn đi xa hơn, cung cấp một dinh thự ba phòng ngủ trên A380, cũng như các căn hộ hạng nhất rộng rãi với chỗ ngồi và giường riêng biệt. Nhà tắm cũng là một dịch vụ lần đầu xuất hiện trên máy bay. Emirates và Etihad đều cung cấp tiện ích này cho khách hạng nhất. Rất nhiều hãng bay khác cũng có không gian cho quầy bar hay lounge dành cho khách hạng thương gia và hạng nhất.

Chặng đường chông gai

Lịch sử của dòng máy bay thương mại cỡ lớn bắt đầu với Boeing 747. Mẫu tàu bay biểu tượng này đi vào hoạt động vào những năm 1970 và trở thành một bước đột phá: thay đổi cả ngành hàng không khi lượng hành khách tăng nhanh chóng, cho phép các hãng bay chào bán vé giá rẻ hơn trên những chặng bay đông khách nhất.

Những nhà sản xuất hàng đầu khác vào thời điểm đó như Lockheed Martin và McDonnell-Douglas không phát triển một giải pháp thay thế cạnh tranh, thay vào đó tập trung vào các máy bay boong đơn và có ba động cơ phản lực. Phải đến khi Airbus quyết định bước chân vào thị trường này, sau những bước phát triển ban đầu với A300, Boeing mới có đối thủ cạnh tranh với 747 huyền thoại.

Airbus bắt đầu thực hiện dự án từ những năm 1980 và chính thức công bố tại Triển lãm Hàng không Farnborough năm 1990. Hãng cân nhắc nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm một thiết kế thú vị kết hợp hai thân máy bay lớn cạnh nhau (dựa trên A340). Ý tưởng này cuối cùng dẫn đến khái niệm máy bay hai tầng, được gọi là A3XX, và dần trở thành A380.

Hãng bắt đầu chế tạo A380 vào năm 2000, với 50 chiếc được đặt hàng. Ngay từ cái tên, nhà sản xuất này đã phá vỡ những quy ước về đánh số. Số 8 được chọn vì hai lý do. Thứ nhất, nó đại diện cho thiết kế hai tầng của máy bay. Thứ hai, nó được coi là một con số may mắn tại nhiều nước châu Á, khu vực trọng điểm hãng nhắm đến cả về khách hàng và hoạt động.

Chiếc A380 hoàn thiện lần đầu được ra mắt tại một buổi lễ ở Toulouse, Pháp vào năm 2005. Trải qua thử nghiệm độ cao, bay dưới thời tiết lạnh ở Canada…, A380 cuối cùng nhận giấy phép vào tháng 12/2006. Nhưng kế hoạch giao hàng vào cuối năm 2006 bị trì hoãn do vấn đề lắp đặt hệ thống dây diện, sự chậm trễ ngày càng kéo dài khiến công ty mẹ của Airbus lỗ tới 5,7 tỷ USD vì cổ phiếu sụt giá 26%.

Cuối cùng, Singapore Airlines cũng nhận chiếc A380 đầu tiên vào 15/10/2007, Emirates là khách hàng thứ hai nhưng phải đến tháng 8/2008 mới nhận được máy bay, tiếp theo là Qantas vào tháng 10/2008.

Hào quang chấm dứt

Ước tính, trước đại dịch, cứ khoảng 2 phút lại có một máy bay Airbus A380 cất và hạ cánh với khoảng 300 chuyến bay thương mại mỗi ngày. Tuy nhiên, Airbus tuyên bố ngừng sản xuất dòng máy bay này vào tháng 2/2019. Những đơn đặt hàng cuối cùng sẽ được hoàn thành trong năm 2021.

Có khả năng chuyên chở tới 800 hành khách, nhưng dòng máy bay này lại bị đánh giá là quá đắt đỏ, ngốn xăng và quá khổ so với thực tiễn. Điều thú vị là không hãng hàng không Mỹ nào đặt hàng A380, một phần do đặc thù của những sân bay của quốc gia này và sự ưa chuộng dành cho Boeing.

Dù vậy, A380 vẫn rất phổ biến và nhiều hãng hàng không sử dụng nó như một dòng máy bay sang trọng. 251 chiếc A380 được 14 hãng hàng không đặt hơn 10 năm qua không phải một thất bại với Airbus. Hãng bay sử dụng A380 nhiều nhất là Emirates với 115 chiếc trong đội bay và còn 8 chiếc chưa nhận, ngoài ra là Singapore Airlines (19), Lufthansa (14), Qantas Airways (12)… Hiện tại, các hãng hàng không tại Việt Nam không sử dụng loại máy bay này.

Có những trường hợp loại máy bay này được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng. Người đầu tiên đặt mua mẫu A380 Flying Palace (Cung điện bay A380) là hoàng tử Arab Saudi, Alwaleed bin Talal bin Abdulaziz Al-Saud. Ông đã trả 488 triệu USD cho đơn hàng này vào năm 2007.

Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, đến năm 2009 hoàng tử vẫn không sở hữu chiếc máy bay này. Nó được bán lại cho một hãng hàng không thương mại, và không bao giờ lấp đầy với nội thất xa hoa. Thực tế, hoàng tử đã có một chiếc Boeing 747 của riêng mình.

Trung Nghĩa (Theo Simple Flying)

Nguồn: vnexpress.net