Lần thay lõi điều hòa máy bay khó quên của kỹ sư hàng không

15h ngày 29/7/2020, chuyến bay đặc biệt chở 219 lao động Việt Nam, trong đó có hơn 100 người dương tính với nCoV tại Guinea Xích đạo hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Với anh Phùng Thanh Hòa, 38 tuổi, kỹ sư cơ giới chuyên bảo dưỡng máy bay của Vietnam Airlines, hôm ấy là ngày khó quên nhất trong 14 năm gắn bó với nghề. Anh và một đồng nghiệp đại diện cho 60 kỹ sư của hãng trực tiếp thay lõi lọc điều hòa sau chuyến bay.

Chiếc Airbus A350 hạ cánh, anh Hòa cùng một đồng nghiệp xách hòm dụng cụ, từng bước di chuyển trên những bậc thang sắt phía đuôi tàu bay. Cả hai mặc hai bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến gót chân, thêm khẩu trang, kính chống giọt bắn. Nắng hè oi ả, trong hầm hàng chiều ngang rộng 5 m, cả người Hòa ướt đẫm, những giọt mồ hôi lăn dài trên má, kính bảo hộ đục mờ vì hơi nước.

Tiến về phía tấm vách ngăn với khoang hành khách, anh và đồng nghiệp bắt đầu di rời panel – những tấm vách ngăn trong khoang, có tác dụng giữ nhiệt, chống cháy, nhanh chóng tháo khoảng 100 ốc vít, lộ ra những đường dây kim loại, mạch điện chằng chịt. Hai người kiễng chân, bốn cánh tay luồn vào trong thận trọng, rút ra hai ống lưới kim loại dạng trụ rỗng, mỗi chiếc cao chừng nửa mét, một lớp bụi xám phủ quanh. Hòa cầm đèn pin rọi vào trong quan sát khắp trên, dưới, trong khi đồng nghiệp bóc kiện hàng, lấy ra hai kết cấu giống hệt để thay thế hai ống lọc. Tàu bay Airbus A350 có 8 lõi lọc khí, các hạng mục kiểm tra tóm tắt bằng 18 trang A4, cả hai mất 2 tiếng để thực hiện nhiệm vụ.

Lõi lọc điều hòa nằm sau vách ngăn của buồng hàng, hệ thống có vai trò lọc khí lên toàn bộ cabin, khí thở của hành khách một phần sẽ lọc qua đây để tuần hoàn lên cabin tiếp. Nguyên lý này có thể tiềm ẩn nguy cơ virus, vi khuẩn bám vào nên sau chuyến hồi hương lịch sử, cả hệ thống được thay mới

“Sợ nhiễm Covid-19 là cảm giác không tránh khỏi của người thợ máy khi làm nhiệm vụ kiểm tra chiếc tàu Airbus A350 chiều hôm ấy. Nhưng bản thân thấy vinh dự khi làm nhiệm vụ trong chuyến bay lịch sử, chuyến hồi hương giúp người lao động xa xứ đoàn tụ với con, hội ngộ người vợ, người chồng”, Hòa nói.

Nếu Covid-19 không xuất hiện, sau 6 tháng sử dụng, anh Hòa mới thay lõi HEPA. Kỹ sư cơ giới chuyên bảo dưỡng máy bay giải thích, cứ mỗi 3 phút, HEPA giúp không khí từ ngoài vào được làm mới hoàn toàn, gần như vô trùng, như một phòng phẫu thuật của bệnh viện. VietnamAirlines lắp hệ thống để phòng ngừa nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus, tuân thủ nguyên tắc bay an toàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến bay hồi hương VN05, anh cùng đồng nghiệp tắm rửa, thực hiện xét nghiệm Covid-19, tự cách ly theo dõi. Sau 14 ngày, các xét nghiệp kiểm tra đều âm tính thì trở về đoàn tụ với gia đình.

28 năm trước, Hòa lên chuyến bay đầu tiên trong đời. Bố anh là kỹ thuật viên hàng không của sân bay quân sự trong Đà Nẵng, sống xa vợ con gần như nửa đời người. Sau cái gật đầu của mẹ, cậu bé 10 tuổi được đồng đội của bố dắt theo ra sân bay 919, huyện Gia Lâm, Hà Nội để bay vào thăm ông. Phi trường khi ấy cỏ còn mọc um tùm, lác đác mấy chiếc tàu bay quân sự song cũng đủ khiến Hoà không chớp mắt. Chiếc AN26 chở khí tài với 2 hàng ghế, xóc bần bật, kêu đinh tai từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh vẫn khiến cậu bé lâng lâng hạnh phúc bởi tận mắt chứng kiến một vùng đồng ruộng mênh mông qua cửa kính máy bay ở dưới chân.

Ước mơ tiếp bước chân cha cũng nhen nhóm trong anh ngay từ giây phút ấy. 18 tuổi, anh đăng ký khoa Kỹ thuật Hàng không, trở thành sinh viên khoá 45 của Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng quyết tâm, ra trường sẽ làm việc cho hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

14 năm thực hiện nhiệm vụ của một kỹ sư chuyên bảo dưỡng máy bay, Thanh Hòa thấy công việc của mình ổn định, giờ giấc linh hoạt, khoảng 40 tiếng một tuần. Năm 2020, khi hoạt động ngành hàng không toàn thế giới bị hạn chế vì dịch bệnh, làm việc với chế độ giãn cách để giảm tiếp xúc tối đa, Vietnam Airlines chủ động mang theo kỹ sư để tự kiểm tra và bảo dưỡng. Nằm trong số kỹ thuật viên có chứng chỉ B, đủ điều kiện bay, năm 2020 của anh Hoà đo đếm bằng những lần theo đoàn bay quốc tế.

Trước mỗi chuyến bay đến vùng dịch, ngày hôm trước anh Hòa sẽ chuẩn bị đồ đạc gồm vài bộ quần áo, quyển sách để thực hiện cách ly 21 ngày theo quy định của cơ quan. Trong 5 lần Hòa cách ly, vợ vốn là người tâm lý, thông cảm với công việc của chồng nhưng không tránh khỏi những lúc giận hờn.

Ngày đầu tháng 10/2020, Hòa báo tin cho vợ rằng mình sẽ bay đến Moska (Nga), sau đó đi cách ly. Thông tin đồng nghĩa với việc, anh sẽ không có mặt trong lễ mừng sinh nhật của vợ. Lần khác, Hòa cách ly 14 ngày tại trung tâm, kết quả các lần xét nghiệm đều âm tính, để an toàn, cơ quan yêu cầu anh cách ly tại nhà thêm một tuần nữa. Từ ngày anh về, bố mẹ bỏ thói quen tập thể dục ở công viên vào buổi chiều, khuôn mặt đượm buồn khi hàng xóm nói: “Nhà có con trai làm ở sân bay, dễ Covid-19”.

Lâu nay, bố mẹ, vợ con là hậu phương vững chắc của Hòa, trước những lần bay quốc tế, cả nhà đều động viên “yên tâm mà đi”. Những ngày tháng 3, anh cùng đồng nghiệp lại bước vào chuyến bay lịch sử. Lần này, chiếc Airbus A350 đưa họ đến Ấn Độ để vận chuyển vaccine phòng Covid-19 về nước. Khi A350 đỗ tại sân bay nước bạn, Hòa vác theo chiếc hòm dụng cụ quen thuộc, kiểm tra bên trong, ngoài máy bay, buồng lái, động cơ, hệ thống lọc khí… Sau 2 giờ, người đàn ông 38 tuổi mỉm cười, gọi điện thông báo với tổ bay, mọi thứ an toàn, sẵn sàng hồi hương.