Mở lại đường bay nội địa: Ai bay?

Hiện đã có 10 địa phương gửi văn bản góp ý về kế hoạch xin mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam, trong đó có 7 địa phương đã đồng ý mở lại đường bay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, kể cả việc tất cả các địa phương đồng ý mở lại đường bay nội địa vào thời điểm này thì hành khách nào được bay, điều kiện bay như thế nào? có phải cách ly phòng dịch tại điểm đến hay không? trong khi vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền và các địa phương.

chống dịch Covid-19

Mở lại đường bay nội địa là đáp ứng nhu cầu đi lại bức thiết của người dân.

Chưa hãng bay nào được cất cánh

Ngày 5.10, trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện Cục Hàng không Việt Nam chưa cho phép bay. Vì hiện Cục mới có văn bản xin ý kiến các địa phương và các địa phương dựa trên tình hình thực tế của mình trả lời là có được phép mở cửa sân bay đón khách hay không?

Nếu địa phương đồng ý, Cục Hàng không Việt nam sẽ bàn bạc thống nhất đưa ra quyết định mở bay mỗi ngày bao nhiêu chuyến với các biện pháp phòng chống dịch như thế nào. Đại diện phòng vé Plytime (48 Tố Hữu) cho biết, nếu được phép bay, cho phép khai thác, các hãng cũng chưa thể khai thác ngay trong ngày bởi thông thường phải mất khoảng 2-3 ngày chuẩn bị mở bán vé, thông báo cho hành khách đặt mua vé.

Vietnam Airlines cho biết, đã xây dựng xong phương án phục hồi mạng bay nội địa và sẽ chính thức mở bán ngay khi nhà chức trách cho phép khôi phục hoạt động vận tải hành khách bằng đường hàng không. Về điều kiện và đối tượng hành khách được phép bay, Vietnam Airlines sẽ cập nhật tới hành khách hướng dẫn cụ thể sau khi các cơ quan chức năng chính thức ban hành quy định về phòng, chống dịch cho người đi máy bay.

Theo đại diện cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hiện mỗi ngày cảng có khoảng 130 chuyến cất hạ cánh, nhưng chủ yếu là chở hàng và lực lượng y tế. Vietnam Airlines cũng đang hoạt động bay Hà Nội – TPHCM khoảng 40 chuyến/ngày, trong đó 90% là chở hàng hoá còn lại là chở chuyên gia, y bác sĩ và các thiết bị phòng chống dịch COVID-19.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam – ông Võ Huy Cường – cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có một số địa phương phản hồi về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa trong giai đoạn 1 của Cục Hàng không Việt Nam, 7 địa phương cơ bản đồng ý với kế hoạch này. Trong đó 5 tỉnh hoàn toàn thống nhất là: Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hoá hoàn toàn thống nhất với kế hoạch. Cùng đó, tỉnh Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TPHCM với tần suất 2 chuyến/tuần.

Hiện 2 địa phương là Hải Phòng và Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đến địa phương mình. Trong đó, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay chở khách đi/đến Gia Lai cho đến sau ngày 15.10.2021.

Cục Hàng không cho hay, ý kiến của các tỉnh thành có sân bay là cơ sở để cơ quan này quyết định việc cấp phép khai thác các đường bay đi/đến sân bay trên địa bàn.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, tính đến chiều 5.10, các trang web bán vé của các hãng bay đều báo không có chuyến bay nào đi trong ngày và một vài ngày tới tại các địa phương đã đồng ý mở lại.

Du lịch Khánh Hòa gặp khó

Ngày 5.10, ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết, đã ký văn bản thống nhất kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn chống dịch COVID-19 theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải).

Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với nội dung đề xuất khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1 theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, việc mở lại đường bay nội địa nối Khánh Hòa với các tỉnh, thành trên cả nước có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nối lại các chuyến bay cũng phù hợp với kế hoạch triển khai đón khách du lịch của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn đến.

Theo đó, việc phục hồi thị trường khách nội địa của Khánh Hòa từ nay đến hết năm 2021 sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 1.10 đến hết ngày 15.10), tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh du lịch ở khu vực biệt lập đã đáp ứng được quy định, tiêu chí an toàn với COVID-19 (Sở Du lịch thẩm định) được đón khách du lịch trong tỉnh có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19. Giai đoạn 2 (từ ngày 16.10 đến 15.11), tất cả cơ sở kinh doanh du lịch đáp ứng được quy định, tiêu chí an toàn với COVID-19 sẽ được đón khách du lịch nội địa (cả nội tỉnh và ngoại tỉnh) có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19. Giai đoạn 3 (từ ngày 16.11 đến 31.12), tiếp tục đón khách nội địa.

“Trong bối cảnh dịch bệnh đang dần được khống chế với tỉ lệ người dân được tiêm vaccine tăng cao thì việc khai thác các đường bay thường nội địa là phù hợp. Ngành Y tế Khánh Hòa cũng cam kết với Bộ GTVT về việc đảm bảo thực hiện an toàn đường bay, an toàn cho các hành khách. Xa hơn nữa, mở lại các tuyến bay nội địa góp phần để tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế, kêu gọi các nhà đầu tư, khôi phục du lịch” – ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch mở cửa hoạt động trở lại, tỉnh Khánh Hòa còn xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động cơ sở kinh doanh trong dịch vụ du lịch. Theo đó, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khu/điểm tham quan du lịch được đón khách nội địa có Thẻ xanh, Thẻ vàng COVID-19, trong quá trình hoạt động, tất cả người lao động luôn đảm bảo quy tắc 5K, đo thân nhiệt hằng ngày; định kỳ xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh.

 

Nguồn: https://laodong.vn/