Xung đột Nga – Ukraine tác động đến hàng không thế giới như thế nào?

Cuộc chiến Nga – Ukraine kéo theo các lệnh cấm bay đã tạo ra những “lỗ hổng” khổng lồ trên bầu trời, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các hãng hàng không xuyên qua vùng trời Đông Âu trên đường đến châu Á.

hàng không thế giới

 

Châu Âu đóng cửa không phận với máy bay Nga

Chiều 27/2 vừa qua, Liên minh châu Âu đã tuyên bố đóng cửa tất cả không phận trên 27 quốc gia thành viên đối với các máy bay của Nga, sau một loạt thông báo đóng cửa không phận từ các nước thành viên trước đó.

Để đáp lại lệnh cấm của EU, Cơ quan Hàng không Dân dụng Nga thông báo họ đã đóng cửa không phận đối với tàu sân bay của 36 quốc gia.

Trước đó, Vương quốc Anh, Canada cũng đã nói không đối với các nhà khai thác máy bay Nga.

Sau khi chính phủ các nước phương Tây ra lệnh đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, số lượng các chuyến bay bị huỷ cất/hạ cánh sân bay quốc tế Sheremetyevo, Thủ đô Moscow, Nga đã đứng đầu toàn thế giới. Trung bình, cứ 5 chuyến bay cất/hạ cánh sân bay Sheremetyevo thì có 1 chuyến bị huỷ, theo dữ liệu trên trang web theo dõi chuyến bay FlightAware.

Tuần trước, Ukraine và nước láng giềng là Moldova cũng như một phần Belarus cũng phải đóng cửa không phận vì xung đột.

Trong khi đó, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cho các hãng hàng không Hoa Kỳ tránh hoạt động ở các khu vực bao gồm toàn bộ Ukraine, Belarus và các vùng phía tây của Nga.

Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu đã cảnh báo “nguy cơ cao” đối với các máy bay dân dụng bay gần biên giới Ukraine.

Các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã khuyến cáo công dân của họ rời khỏi Ukraine, và cả Mỹ và Anh đều khuyến cáo không nên đến Ukraine và Nga.

Du lịch thế giới ảnh hưởng như thế nào?

Ông Mikael Robertsson, người đồng sáng lập dịch vụ theo dõi máy bay Flightradar24 cho biết, do quy mô địa lý của Nga, các chuyến bay của nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới đi qua không phận Nga mỗi ngày có khoảng một chục chuyến bay từ Anh bay qua Nga để đến Hong Kong, Ấn Độ.

Tính trên toàn EU, mỗi ngày có đến hàng trăm chuyến bay quá cảnh Nga để đến khu vực châu Á. Từ Mỹ, hầu hết lưu lượng hàng hoá giữa Mỹ và châu Á đều đi qua ít nhất một phần nhỏ không phận của Nga. Trước Covid-19, con số thậm chí còn lớn hơn, đặc biệt là từ Anh nhưng hiện tại thì các chuyến bay chở khách đường dài vẫn chưa thực sự phục hồi.

Việc đóng cửa không phận châu Âu đối với các hãng hàng không Nga và ngược lại đã có tác động tức thì đối với hoạt động hàng không toàn cầu. Hãng Air France đã tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời đang cân nhắc các lựa chọn tránh bay qua không phận Nga.

Finnair cho biết hãng này sẽ tạm dừng các chuyến bay tới Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đến ngày 6/3 để tránh không phận Nga, trong khi các chuyến bay tới Singapore, Thái Lan và Ấn Độ vẫn được thực hiện nhưng thời gian bay bị kéo dài thêm khoảng 1 giờ.

Về phía Mỹ, một số hãng hàng không chở khách của Mỹ phải tạm hoãn việc khởi động lại đường bay đến Ấn Độ vì buộc phải qua Nga. Các chuyến bay có thể bị tác động gồm lộ trình từ Mỹ tới Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi đó, mạng lưới châu Á của British Airways và Virgin Atlantic phần lớn vẫn chưa được khôi phục sau khi bị đình trệ vì Covid-19. Nên do đó, đối với vận tải hành khách từ Anh, tình hình cũng không tệ hơn thời kỳ Covid-19 là bao.

Vận tải hàng hoá chịu tác động lớn.

Nhưng đối với vận tải hàng hoá thì lại khác. Các hãng vận chuyển hàng hoá như FedEx, UPS, Atlas, Kalitta, Western Global… vốn đang làm việc quần quật do sự bùng nổ mua sắm trực tuyến suốt mùa đại dịch có thể sẽ thấy ảnh hưởng đáng kể.

United Parcel Service và FedEx Corp, 2 công ty vận tải lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, cho biết đã dừng vận chuyển tới các điểm đến ở Nga. Hiện chưa rõ cả 2 công ty này có tiếp tục sử dụng không phận Nga trong các hoạt động nói chung hay không.

Các lệnh cấm cũng sẽ tác động tài chính không nhỏ đối với các hàng hàng không cũng như với Nga, quốc gia thu phí bay quá cảnh hàng trăm triệu USD/năm. Theo ông Addison Schonland, đối tác của công ty tư vấn AirInsight Group cho biết, trong trường hợp phải bay chuyển hướng, các nhà khai thác sẽ phải chịu nhiều chi phí hơn do bay các tuyến kém hiệu quả kinh tế hơn và phải trả phí hàng không cao hơn.

Lấy ví dụ đường bay từ London (Anh) đến Tokyo (Nhật Bản), các chuyến bay thường mất khoảng 11 – 12 giờ khi bay qua Nga và các nước vùng Bắc Âu. Nếu phải tránh không phận Nga, tuyến bay sẽ phải hướng xuống phía nam, đi qua Trung Á và mất thêm đến 3 giờ bay. Lựa chọn thứ hai là hướng lên phía bắc, bay qua bang Alaska của Mỹ và tốn thêm 2 giờ bay. Mặc dù vậy, nhiều hãng hàng không vẫn chấp nhận vì chẳng ai muốn lặp lại thảm hoạ của vụ MH17.

Chưa kể, theo Tạp chí hàng không Airfinance, các công ty cho thuê máy bay có trụ sở tại châu Âu được cho thời hạn đến 28/3 để giảm dần các thỏa thuận với các hãng hàng không Nga. Đây được xem là thiệt hại đáng đối với lĩnh vực cho thuê hàng không bởi đối tác Nga được đánh giá là các đơn vị vận hành đáng tin cậy hơn so với nhiều hãng hàng không khác trên toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hiện tại, các công ty Nga đang vận hành khoảng 980 máy bay chở khách, trong đó 777 chiếc là đi thuê, theo công ty phân tích Cirium. Trong số máy bay đi thuê, có 515 máy bay với giá trị thị trường ước tính 10 tỷ USD, là thuê của các công ty nước ngoài.

Dự báo về tương lai của hàng không thế giới, CEO của Airbus, Guillaume Faury cho biết, xung đột Nga – Ukraine là một trở ngại khác mà ngành hàng không phải vượt qua sau hai năm tồi tệ nhất trong lịch sử. Mặc dù vậy, ông tin rằng lượng du lịch hàng không vẫn sẽ tăng trưởng trong những tháng tới.

“Dù việc đi lại ở khu vực Đông Âu gần Ukraine có thể sẽ gặp nhiều áp lực nhưng phần lớn các chuyến du lịch trên thế giới sẽ phục hồi như chúng ta mong đợi vào cuối đại dịch.” – CEO Airbus nói.

Nguồn: tapchigiaothong.vn