Các chuyến bay trên toàn cầu được theo dõi hành trình như thế nào?

Flightradar24 là một trong những trang web theo dõi chuyến bay phổ biến nhất trên thế giới với mạng lưới thiết bị thu tín hiệu quy mô lớn. 

Nhu cầu theo dõi chuyến bay ngày càng gia tăng trên thế giới

Mới đây, trong lúc máy bay quân sự Mỹ đưa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Đài Loan, đã có tổng cộng 2,92 triệu người theo dõi hành trình chuyến bay qua trang web của Flightradar24. Tại thời điểm máy bay hạ cánh, có tới 700.000 người đã theo dõi cùng lúc, theo thời gian thực.

Theo Giám đốc truyền thông Ian Petchenik, Flightradar24 được thành lập tại Thụy Điển năm 2006 để so sánh giá vé máy bay.

Trang web bắt đầu thu hút sự chú ý trên toàn cầu vào năm 2010 khi vụ núi lửa phun trào ở Iceland khiến hàng nghìn chuyến bay không thể cất cánh. Vào thời điểm đó, 4 triệu người đã truy cập trang web tới mức có thể khiến trang web bị sập.

Flightradar24, FlightAware và Plane Finder là những trang web theo dõi chuyến bay phổ biến nhất trên thế giới.

Flightradar24, FlightAware và Plane Finder là những trang web theo dõi chuyến bay phổ biến nhất trên thế giới.

Ông Petchenik cũng cho biết số người theo dõi chuyến bay trên thế giới đang tăng dần. Đó là những người sử dụng trang web để theo dõi chuyến bay của người thân, chuyến bay của bản thân, tìm dữ liệu về chuyến bay sắp tới mà họ đã đặt vé.

Nhiều trường hợp khác là những người có sở thích trong lĩnh vực hàng không hoặc muốn theo dõi một loại máy bay cụ thể nào đó. Những người này có thể tới sân bay, truy cập vào ứng dụng Flightradar24 và theo dõi thông tin về chuyến bay mà họ muốn.

Một số trường hợp là những người đầu tư vào ngành công nghiệp hàng không, sở hữu hoặc cho thuê máy bay hoặc có một đội máy bay và muốn theo sát thông tin về những máy bay này.

Trường hợp cuối cùng là những đơn vị muốn thu thập thông tin về dữ liệu chuyến bay như các hãng hàng không, sân bay, nhà sản xuất máy bay cần những tệp dữ liệu lớn để nghiên cứu sâu về ngành.

Flightradar24 thu thập dữ liệu chuyến bay như thế nào?

Trung bình mỗi ngày, khoảng hơn 200.000 chuyến bay cất và hạ cánh trên toàn cầu, bao gồm máy bay thương mại, chở hàng, cho thuê cho tới máy bay tư nhân, trực thăng, cứu hộ hàng không, máy bay của quân đội và chính phủ, máy bay không người lái…

Hầu hết các máy bay đều trang bị thiết bị chuyển tiếp tín hiệu để truyền thông tin về vị trí máy bay và các dữ liệu khác về chuyến bay cho kiểm soát không lưu. Tín hiệu này có thể bắt được bằng ADS-B, hệ thống giám sát máy bay tự động dựa trên hệ thống thông tin định vị toàn cầu GPS.

Để thu thập dữ liệu, Flightradar24 đã xây dựng mạng lưới thiết bị thu ADS-B tầm cỡ mà công ty cho là lớn nhất trên thế giới với 34.000 thiết bị, thu được cả tín hiệu tại những vùng hẻo lánh như Nam Cực.

Flightradar24 lắp đặt thiết bị thu ADS-B để thu thập thông tin về chuyến bay trên toàn cầu.

Flightradar24 lắp đặt thiết bị thu ADS-B để thu thập thông tin về chuyến bay trên toàn cầu.

Khoảng ¼ số thiết bị thu này là do Flightradar24 tự lắp đặt, còn lại phần lớn là do các cộng tác viên sẵn sàng tình nguyện cung cấp dữ liệu chuyến bay lắp đặt. Những thiết bị thu này có giá thành thấp, chỉ khoảng 100 USD/bộ và nhiều tình nguyện viên đã đăng ký cung cấp dữ liệu kể từ khi Flightradar24 mở rộng mạng lưới cho công chúng đóng góp thông tin vào năm 2009.

Theo ông Petchenik, để thu thập thông tin tại các vùng biển, Flightradar24 phải tìm các hòn đảo để đặt thiết bị thu hoặc sử dụng vệ tinh dựa trên công nghệ đầu thu ADS-B.

Ông Petchenik cho biết việc theo dõi chuyến bay có thể hỗ trợ rất nhiều trong trường hợp xảy ra tai nạn, tình huống khẩn cấp. Flightradar24 lưu trữ mọi thông tin trên server và khi có tai nạn xảy ra hoặc theo yêu cầu của cơ quan điều tra tai nạn hoặc cơ quan điều hướng hàng không, họ có thể trích xuất dữ liệu thô từ một server cụ thể.

Tuy nhiên, không phải máy bay nào cũng có thể hiển thị dữ liệu công khai. Chủ sở hữu hoặc nhà vận hành máy bay có thể yêu cầu không hiển thị công khai dữ liệu chuyến bay, chủ yếu là máy bay cá nhân, máy bay quân đội, chính phủ.

Chẳng hạn, chủ sở hữu hoặc nhà vận hành có thể đăng ký chương trình như “Giới hạn Hiển thị Dữ liệu Máy bay” của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Chương trình này cho phép hiển thị dữ liệu chuyến bay theo hình thức khác, hiển thị ẩn danh hoặc thậm chí hoàn toàn không hiển thị. Ông Petchenik cho biết Flightradar24 tuân thủ với quy định của chương trình này.

Nguồn: Báo Giao Thông