Ngành hàng không đứng trước những rào cản đi đến Net-zero

Khử carbon đang trở thành chiến dịch toàn cầu, các ngành công nghiệp đều đứng trước thử thách này mà không có lựa chọn khác. Nhưng khó khăn thách thức lớn nhất vẫn dành cho ngành công nghiệp hàng không.
Ngành hàng không đứng trước những rào cản đi đến Net-zero

Theo số liệu của Deloitte, ngành hàng không đã tạo ra khoảng một tỷ tấn khí thải carbon vào năm 2019, chiếm 3% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển trên toàn cầu.

Theo Shell, ngành hàng không có kế hoạch đạt đến mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ cần tới 300 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch dùng cho máy bay phản lực mỗi năm được thay thế bằng SAF, với tổng chi phí đầu tư từ 1,4 – 1,5 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, người ta chưa nhìn thấy sự thay thế nào cho SAF trong 3 thập kỷ tới.

Theo các nhà cung ứng năng lượng cho SAF, ở thời điểm hiện nay nhu cầu hiện đang vượt xa nguồn cung SAF nhưng sự ồ ạt của các dự án mới có thể sớm khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung. Trong khi các nhà quản lý vĩ mô chưa đưa ra danh mục các quy chuẩn và chủng loại nguyên liệu thô nào sẽ được phép sử dụng trong tương lai, do đó các nhà đầu tư chưa thể xây dựng các nhà máy SAF mới, trị giá 1 – 2 tỷ USD mỗi nhà máy.

Châu Âu đi đầu trong các kế hoạch SAF, sau đó là New Zealand, Nhật Bản và Singapore. Nhưng đối với ngành hàng không cần có sự liên kết toàn cầu.

Khử carbon trong ngành hàng không gặp phải những rào cản đáng kể. Nghiên cứu của Deloitte cho thấy nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đắt gấp 2 – 8 lần so với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống, bên cạnh đó là các chính phủ và các cơ quan quản lý không thống nhất về các mục tiêu giảm phát thải.

Nghiên cứu đề xuất các chiến lược rõ ràng để vượt qua những rào cản này. Với sự hợp tác trong toàn ngành, sự đổi mới và tham vọng, những chiến lược này sẽ giảm đáng kể lượng khí thải ròng của ngành hàng không. Sản xuất, cung cấp và sử dụng SAF nhanh hơn là rất quan trọng, do đó cần có các biện pháp khuyến khích từ các chính phủ và các cơ quan quản lý. Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác nên được khuyến khích cung cấp tài trợ cho việc sản xuất và mua SAF như một phần của các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị của họ.

Deloitte và Shell đã phỏng vấn hơn 100 giám đốc điều hành hàng không và chuyên gia đại diện cho hơn 60 tổ chức trong hệ sinh thái hàng không toàn cầu để xác định các rào cản chính đối với việc khử carbon trong ngành hàng không và các giải pháp thực tế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành theo hướng không thuần. Nghiên cứu này của Deloitte và Shell nhấn mạnh đến sự cần thiết có cơ chế, chính sách tài trợ và khuyến khích của các quốc gia cho các hãng hàng không đầu tư vào việc giảm lượng khí thải.

Bên cạnh đó là sự hợp tác giữa các ngành khác để triển khai thành công SAF. Điều này giúp giảm chi phí cho các công nghệ cần thiết, chẳng hạn như sản xuất hydro, thu nhận không khí trực tiếp và chuyển đổi sinh khối, đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên khan hiếm.

Và trên hết, kế hoạch khử carbon cần tham vọng hơn và các khoản đầu tư cần bắt đầu sớm hơn để đáp ứng các kỳ vọng, đạt đủ khối lượng SAF và giảm chi phí xuống mức cần thiết để áp dụng trên quy mô lớn trong vòng 15 năm.

Nguồn: Báo Năng Lượng Quốc Tế