Vietnam Airlines: Hàng không và du lịch cần chương trình thống nhất để phát triển

Với đặc tính đặc thù trong khai thác, ngành Hàng không đã thống nhất triển khai việc cấp phép bay theo mùa, căn cứ trên lịch sử khai thác trong những mùa trước đó. Lịch bay mùa hè được tính từ chủ nhật cuối cùng của tháng 3 đến chủ nhật cuối cùng của tháng 10, thời gian còn lại của năm là lịch bay mùa đông.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. Ảnh: VGP

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà. Ảnh: VGP

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhấn mạnh, ngành hàng không và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, do vậy cần một chương trình thống nhất, dài hạn để phát triển.

Báo cáo tình hình phục hồi ngành hàng không Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 sáng 15/3, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong 2 tháng đầu năm vận tải hàng không nội địa tăng 12,5% so với năm 2020, vận tải hàng không quốc tế đã quay về 64% so với trước dịch.

Sau đại dịch, các hãng hàng không Việt Nam đã theo sát chính sách mở cửa của Chính phủ các nước và đã kịp thời mở đường bay. Cho đến nay, tất cả các hãng hàng không đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, trong đó Vietnam Airlines mở thêm 2 khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh đó là thị trường Ấn Độ và thị trường Mỹ, mở thêm 2 đường bay.

Tuy nhiên khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.

Nhấn mạnh hàng không cần liên kết chặt chẽ với ngành du lịch, tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng cần có sự dẫn dắt của Chính phủ thống nhất chương trình hành động cho ngành du lịch Việt Nam.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam nêu 4 kiến nghị cho ngành du lịch gồm: Cần có chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng cho du khách quốc tế; tiếp đến là có một Chương trình quốc gia về du lịch, kiến nghị thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển.

Đại diện hãng cũng nhấn mạnh cần tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam do vậy cần bám vào chương trình này tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Cuối cùng Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để quay lại đầu tư tập trung cho các hoạt động hàng không và du lịch để tăng chất lượng dịch vụ.

Cùng tham gia góp ý tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng nhấn mạnh “Nếu du lịch không phát triển thì hàng không thua lỗ. Nếu như không bay, thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ. Ảnh: VGP.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ. Ảnh: VGP.

Để ngành du lịch phục hồi, ngành hàng không cất cánh, Chủ tịch HĐQT Vietravel nêu ra các kiến nghị như sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thuế VAT, tiền điện, tiếp cận nguồn vốn quỹ xúc tiến du lịch, mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài. Xem xét, tính toán lại mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023, đặt mục tiêu cao hơn để phấn đấu.

Ông Kỳ yêu cầu thông tin về lễ hội của đất nước cần thống nhất và có đầy đủ chương trình về các lễ hội. Ông lấy ví dụ như năm du lịch quốc gia thì có bao nhiêu sự kiện, có bao nhiêu lễ hội, tổ chức ở đâu, như thế nào và có khung lễ hội chính thức dễ dàng hơn trong việc quảng bá, truyền thông.

Chủ tịch HĐQT Vietravel nêu ra một kiến nghị nữa là phát triển du lịch thể thao quốc tế lớn. “Nếu chúng ta không làm thì các nước xung quanh họ sẽ làm để lôi kéo khách du lịch. Vừa cạnh tranh điểm đến vừa cạnh tranh khách du lịch”, ông Kỳ nói.

“Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng và Bộ nên chọn thương hiệu du lịch quốc gia để làm ngọn cờ để tập hợp lực lượng ví dụ như ẩm thực của Việt Nam. Văn hóa ẩm thực Việt Nam là thế mạnh của nền văn hóa Việt Nam, từ di sản đến tài sản là được”, đại diện Vietravel đề xuất.

Nguồn: Tạp chí Mekong Asian