Làn sóng phi công nghỉ hưu sắp quét qua ngành hàng không Mỹ

Ngành hàng không Mỹ sắp hứng chịu “cơn sóng thần” với hàng loạt phi công nghỉ hưu, làm tăng tình trạng thiếu hụt phi công và hạn chế khả năng cung cấp chuyến bay, CNN đưa tin.

Làn sóng phi công nghỉ hưu sắp ập đến các hãng hàng không Mỹ. Ảnh: Istock.

Làn sóng phi công nghỉ hưu sắp ập đến các hãng hàng không Mỹ. Ảnh: Istock.

“Tình trạng thiếu hụt phi công dẫn đến sự sụp đổ của dịch vụ hàng không”, Faye Malarkey Black, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hàng không Khu vực, phát biểu trong một phiên điều trần của Ủy ban Cơ sở hạ tầng và Vận tải Hạ viện Mỹ ngày 19/4.

Hơn một nửa số phi công đang làm việc hiện nay sẽ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc – 65 tuổi – trong 15 năm tới, và các phi công trẻ không thể bù đắp khoảng trống nhân lực.

“Tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng đang diễn ra” trên toàn quốc, bà Black nói, lưu ý rằng dịch vụ hàng không tại 42 bang đã suy giảm so với trước đại dịch. 136 sân bay đã cắt giảm ít nhất 1/4 dịch vụ và các hãng hàng không đã cắt hoàn toàn chuyến bay đến 11 sân bay nối chuyến nhỏ.

Hơn 500 máy bay thuộc các hãng hàng không trong khu vực đang dừng hoạt động vì không đủ phi công.

Hầu hết hãng hàng không vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sau đại dịch, ngay cả khi một số hãng ghi nhận lượng đặt chỗ kỷ lục. Công suất hạn chế kết hợp với nhu cầu tăng mạnh khiến giá vé tăng cao hơn đáng kể so với trước đại dịch.

Trong bối cảnh đó, nhiều hãng hàng không lớn đang lôi kéo phi công từ các hãng nhỏ hơn, khiến tình trạng tại các hãng này càng tồi tệ. Theo bà Black, các hãng hàng không lớn đã thuê hơn 13.000 phi công vào năm 2022, gần như tất cả đều từ các hãng nhỏ.

Bà Black cho biết thêm tổng chi phí cho một phi công mới lên tới 200.000 USD, bao gồm học phí lấy bằng cử nhân và chi phí đào tạo 80.000 USD. Viện trợ tài chính liên bang hiện không đủ tạo cơ hội cho những sinh viên nghèo trở thành phi công, theo Simple Flying.

“Không giống các con đường sự nghiệp khác yêu cầu chứng chỉ chuyên môn bổ sung, chẳng hạn bác sĩ và luật sư, các chương trình đào tạo phi công không thể tiếp cận khoản vay bổ sung thông qua chương trình hỗ trợ sau đại học”, bà nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Hàng không Jason Ambrosi lập luận các hãng hiện thiếu nhân viên vì không trả lương đầy đủ cho phi công và đảm bảo điều kiện chất lượng sống, cũng như do các quyết định cấp quản lý được đưa ra trong đại dịch. Ông cũng phản đối đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của phi công.

Nguồn: Zing News