Giám đốc điều hành hãng bay Ryanair Holdings – ông Michael O’Leary dự báo giá vé máy bay vẫn ở mức cao trong vài năm tới.
Giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã đi qua, các hãng hàng không đang kỳ vọng thu được lợi nhuận khi hoạt động đi lại phục vụ kinh doanh, giải trí đã phục hồi. Vậy tại sao giá vé máy bay toàn cầu vẫn ở mức cao?
Nhu cầu đi lại tăng cao
Theo hãng tin Bloomberg, một nguyên nhân khiến giá vé máy bay toàn cầu vẫn rất đắt đỏ là do nhiều hành khách có tâm lý sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho vé máy bay sau thời gian dài bị hạn chế đi lại. Trong một số trường hợp, thời gian chờ đợi này có thể lên tới 3 năm.
Trang Booking.com đã khảo sát ý kiến 25.000 người trưởng thành có ý định đi du lịch trong 12-24 tháng tới, kết quả cho thấy nhiều người muốn “nuông chiều” bản thân trong những chuyến đi sắp tới để bù đắp cho thời gian vừa qua phải “chôn chân” ở nhà.
Ông Marcos Guerrero – Giám đốc phụ trách chuyến bay tại Booking.com, cho biết: “Ngay cả khi một số tuyến đắt hơn nhiều so với trước đây, nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả”.
Ảnh minh họa
Thiếu nhân sự
Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới thua lỗ khoảng 200 tỷ USD, dẫn tới phải cắt giảm hàng chục triệu việc làm.
Khi hoạt động đi lại ngành hàng không đang phục hồi, các hãng bay lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại nhân sự. Trong khi đó, nhiều cựu nhân viên tay nghề cao trong ngành hàng không lại quyết định chuyển hẳn sang làm việc trong những nghề nghiệp ổn định hơn.
Tình trạng thiếu nhân sự đã khiến tình trạng chậm trễ, hành khách xếp hàng dài chờ đợi tại các quầy check-in, quầy xuất nhập cảnh, băng chuyền hành lý tại sân bay thêm trầm trọng.
Thực trạng này cũng buộc các hãng bay phải đưa ra các mức lương hấp dẫn hơn để thu hút và giữ chân nhân viên. Điều này đồng nghĩa, giá vé máy bay cao hơn khi các hãng hàng không tìm cách bù đắp các khoản chi phí bổ sung.
Giá nhiên liệu tăng
Giá nhiên liệu được đánh giá là đã giảm trong năm qua nhưng giá dầu thô vẫn cao hơn 50% so với tháng 1/2019. Đây cũng là vấn đề không nhỏ với các hãng bay bởi nhiên liệu là chi phí lớn nhất.
Nhiều hãng hàng không, đặc biệt là các hãng bay giá rẻ, không có biện pháp phòng ngừa rủi ro trong trường hợp giá nhiên liệu tăng cao, khiến họ trở nên bị động trong các đợt tăng giá do ảnh hưởng của những sự kiện lớn trên thế giới như xung đột bùng phát tại Ukraine.
Hoạt động hàng không thải ra 2% trong tổng lượng phát thải cacbon của toàn thế giới nhưng lại tụt sau so với đa số các ngành công nghiệp khác trong cam kết về môi trường.
Một phần là do giải pháp khả thi duy nhất vào thời điểm hiện tại – nhiên liệu hàng không bền vững hiện có giá cao gấp 5 lần so với nhiên liệu truyền thống. Trong khi đó, một số công nghệ mới nhất như máy bay điện hoặc máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu và được dự báo có giá thành đắt đỏ khi thành phẩm.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, ngành hàng không sẽ phải chi 2.000 tỷ USD để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, các hãng bay bắt buộc phải tăng giá vé, khiến việc đi lại bằng đường hàng không càng đắt hơn.
Thiếu máy bay
Khoảng 16.000 máy bay – tương đương 2/3 phi đội máy bay thương mại toàn cầu, phải “đắp chiếu” trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19. Quá trình đưa những phương tiện này hoạt động trở lại đòi hỏi cần có thời gian bởi cần kiểm tra tất cả bộ phận nhằm đảm bảo máy bay đủ điều kiện vận hành.
Nhiều máy bay được bảo quản tại các sa mạc ở Mỹ và Australia dù đỡ bị hao mòn hơn nhưng không tránh khỏi khả năng nội thất, động cơ bị hư hại.
Bên cạnh đó, các hãng sản xuất máy bay cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng năng suất với nguyên nhân một phần do các nhà thầu phụ thiếu lao động. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine cũng khiến Airbus, Boeing và các nhà cung cấp khó tiếp cận các nguồn nguyên liệu thô như titanium, đẩy giá một số bộ phận máy bay tăng cao.
Một số hãng bay như Spirit Airlines và IndiGo lại buộc phải tạm dừng hoạt động những máy bay trang bị động cơ mới do thiếu hụt nguồn cung bộ phận máy bay. Trong khi đó, một số công nghệ mới đòi hỏi bảo trì thường xuyên hơn.
Hoạt động đi lại đường hàng không quốc tế tại Trung Quốc chậm phục hồi
Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại nhưng theo hãng tin Bloomberg, nhiều người dân quốc gia này vẫn chưa thực sự hào hứng với đi du lịch nước ngoài. Theo kết quả một khảo sát mới đây, hơn 30% du khách Trung Quốc cho biết, sẽ không đi du lịch nước ngoài trong năm nay.
Hiệp hội Các hãng hàng không Châu Á Thái Bình Dương ước tính cần ít nhất khoảng 1 năm để Trung Quốc quay trở lại mức đi lại hàng không quốc tế trước đại dịch. Trong khi đó, người dân Trung Quốc chi tiêu khoảng 280 tỷ USD/năm cho hoạt động du lịch trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc hoạt động đi lại hàng không quốc tế chậm khôi phục tại Trung Quốc đã khiến các hãng bay chần chừ trong việc khôi phục công suất. Kết quả, số ghế trên các tuyến bay quốc tế ít hơn và đẩy giá vé máy bay tăng cao.
“Các hãng hàng không vẫn chưa hoàn toàn khôi phục hoạt động sau đại dịch. Đơn cử như các chuyến bay tới Trung Quốc. Hiện chỉ có rất ít chuyến bay và những chuyến đã khôi phục thì giá cao ngất ngưởng”, ông Clint Henderson – Giám đốc điều hành trang web The Points Guy dành cho hành khách thường xuyên sử dụng dịch vụ hàng không – nhận định.
Nguồn: Báo Giao Thông