Theo công bố của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có mức phục hồi tốt nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Thông tin này được PGS-TS Trần Hoài An, Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam dẫn lại trong báo cáo tại chuỗi sự kiện hội thảo khoa học quốc tế, diễn đàn khoa học hàng không và triển lãm hàng không 2023 khai mạc hôm nay tại TP.HCM.
PGS-TS Trần Hoài An cho biết, thị trường hàng không Việt Nam cũng là thị trường có mức phục hồi tốt nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo PGS-TS Trần Hoài An, những năm qua, dù vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của toàn cầu khi liên tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sự bất ổn kinh tế, xã hội ở các khu vực nhưng ngành hàng không Việt Nam vẫn giữ vững được vị thế của một quốc gia có mức an ninh, an toàn hàng không thuộc loại cao nhất trong khu vực.
Đồng thời, hàng không Việt Nam cũng được đánh giá là có dịch vụ vận chuyển hàng không tốt nhất với sự kiện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam được tổ chức APEX vinh danh là “Hãng hàng không quốc tế 5 sao”.
Để có được kết quả này, các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong ngành hàng không dân dụng đã nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ngành hàng không cũng cần phải thay đổi, chuyển mình để bắt kịp với xu thế chung.
Ngày 11/9, Hội thảo khoa học quốc tế, diễn đàn khoa học hàng không và triển lãm hàng không 2023 diễn ra tại TP.HCM.
Trước những cơ hội và thách thức, Cục hàng không Việt Nam đưa ra định hướng chuyển đổi đối với hàng không dân dụng Việt Nam. Mục tiêu quan trọng của ngành hàng không là tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động hàng không dân dụng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách bảo vệ môi trường, thúc đẩy các mô hình cải tiến, chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo an ninh môi trường trong công nghiệp hàng không dân dụng.
Đồng thời, xây dựng các chính sách phát triển hạ tầng hàng không xanh, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ngoài ra, ngành hàng không Việt Nam cũng hướng tới thực hiện chương trình phát triển phương tiện thân thiện môi trường tại sân bay, bao gồm xe điện, phát triển trung tâm logistics xanh, cảng xanh, ứng dụng công nghệ mới, năng lượng mới thay thế nhiên liệu truyền thống cho phương tiện, thiết bị trong hoạt động hàng không.
Ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành hạ tầng hàng không và hoạt động vận tải hàng không, đảm bảo an toàn, thông suốt và giảm tiêu hao năng lượng.
Tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) để thay thế dần nhiên liệu hàng không truyền thống trên máy bay của Việt Nam, nhằm giảm lượng khí thải carbon ròng, trong nỗ lực thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP 26 về phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo Cục hàng không Việt Nam, hiện tại các hãng hàng không trong nước rất quan tâm đến việc chuyển đổi theo hướng thân thiện với môi trường.
Sắp tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thân thiện với môi trường, thân thiện với khí hậu, đảm bảo hoạt động kinh doanh bền vững hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050.
Nguồn: VTC News