Đề xuất xây thêm nhà ga sân bay Phù Cát, Bình Định tìm cách đưa du lịch thành mũi nhọn kinh tế

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn đến năm 2030 xây dựng mới nhà ga hành khách T3 tại Cảng hàng không Phù Cát với công suất 3,5 triệu hành khách/năm. Đồng thời, di chuyển các công trình quân sự trên khu đất phía Nam để xây dựng khu hàng không dân dụng…

Đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển của tỉnh Bình Định đến năm 2050.
Đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển của tỉnh Bình Định đến năm 2050.

Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

NHIỀU HẠNG MỤC QUÁ TẢI, TĂNG TRƯỞNG HÀNH KHÁCH VƯỢT XA DỰ BÁO

Tỉnh Bình Định có vị trí kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam; đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn. Cùng với Đà Nẵng, Bình Định được xem là một trong hai đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của Vùng Tây Nguyên. Nhiều yếu tố khác giúp Bình Định có ưu thế cạnh tranh đáng kể so với các địa phương khác trong phát triển du lịch, thương mại.

Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỉnh cũng đặt trọng tâm phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với phát triển các khu công nghiệp và việc nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đường bộ, cao tốc, đường sắt và nâng cấp sân bay Phù Cát.

Cảng hàng không Phù Cát thuộc địa bàn xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; vị trí sân bay cách UBND xã Cát Tân 7 km về phía Nam, cách trung tâm TP. Quy Nhơn 29 km đường bộ về phía Tây Bắc. Cảng hàng không Phù Cát, trước đây là sân bay Phù Cát, được Mỹ xây dựng từ những năm 1960 – 1970, là căn cứ quan trọng của Không quân Mỹ – Ngụy.  Năm 1985, các hoạt động hàng không dân dụng bắt đầu khai thác.

Hiện tại, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, Cảng hàng không Phù Cát có cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đáp ứng được các nhu cầu của hàng không dân dụng đến năm 2025. Cảng hàng không Phù Cát có vị trí lý tưởng để hành khách có thể dễ dàng tiếp cận các khu du lịch, khu kinh tế và dân cư của địa phương và là cơ sở để phát triển mạnh mẽ các dịch vụ, khu kho bãi, trung chuyển hàng không.

Về quốc phòng, an ninh, Cảng hàng không Phù Cát nằm trên địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Đối với quân sự, Phù Cát là sân bay chính trong hệ thống phòng thủ quốc gia, là căn cứ quân sự quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Trước đó, theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2020, Phù Cát được quy hoạch là cảng hàng không cấp 4C, sân bay quân sự cấp I với công suất 1,2 – 1,5 triệu hành khách/năm.

Bên cạnh đó, so với nhu cầu phát triển thực tế, đơn vị tư vấn cho rằng vẫn còn nhiều điểm bất cập.

Theo đó, hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay được xây dựng từ trước giải phóng, qua các thời kỳ đã được cải tạo sửa chữa đáp ứng điều kiện khai thác hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, Cảng hàng không Phù Cát chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh. Nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo. Sản lượng khai thác năm 2019 đã đạt 1,575 triệu hành khách, 2.705 tấn hàng hoá; năm 2022 đạt 2,362 triệu hành khách, 905 tấn hàng hoá.

Đường cất hạ cánh hiện chỉ đảm bảo khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương do sức chịu tải của hệ thống đường cất hạ cánh thấp và thời gian khai thác thực tế của đường cất hạ cánh đã vượt quá tuổi thọ thiết kế. Do đó, cần nhanh chóng cải tạo sửa chữa cơ bản để đảm bảo an toàn khai thác và đảm bảo đủ điều kiện cải tạo nâng cấp sau này theo quy hoạch.

Cùng với đó, với tổng số 8 vị trí đỗ và với dự báo nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, Cảng hàng không Phù Cát về cơ bản đáp ứng nhu cầu khai thác đến tương đương khoảng 3,2 triệu hành khách/năm. Sân đỗ tàu bay cần phải tiếp tục để mở rộng để đảm bảo khai thác các loại tàu bay code E theo định hướng, đảm bảo nhu cầu khai thác đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời cần có vị trí đỗ dự phòng, thay thế trong quá trình nâng cấp, sửa chữa sân đỗ.

Bên cạnh đó, quy hoạch vị trí khu nhà xe ngoại trường và khu khẩn nguy cứu hỏa chưa thực sự hợp lý, ảnh hưởng khả năng phát triển các công trình khác. Một số khu vực như khu cấp nhiên liệu, các công trình dịch vụ hàng không, phi hàng không khác… chưa được xây dựng theo quy hoạch được duyệt, do Cảng hàng không Phù Cát chưa có hàng rào ranh giới cụ thể và cũng chưa được cắm mốc giới ranh giới.

Ngoài ra, dự báo công suất của Cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch hiện hành còn thấp, chưa phù hợp với tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Bình Định và tốc độ tăng trưởng thực tế và dự báo phát triển của vận tải hàng không trên địa bàn.

Thời hạn dự báo ngắn hạn giai đoạn 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong dài hạn và chưa phù hợp với giai đoạn nghiên cứu các quy hoạch khác của tỉnh đang triển khai.

Do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát là việc làm rất cần thiết, nhằm phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và tăng trưởng của ngành hàng không.

XÂY MỚI NHÀ GA T3 CÔNG SUẤT 3,5 TRIỆU KHÁCH/NĂM

Với vị trí, vai trò là cảng hàng không quốc nội, ngoài các đường bay thường lệ kết nối Phù Cát với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, dự báo sẽ mở mới các đường bay liên vùng, theo mô hình “điểm – điểm” theo nhu cầu của thị trường, không trung chuyển qua các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, trực tiếp kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc Bắc Bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc… đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như định hướng phát triển của tỉnh Bình Định đến năm 2050.

Các tuyến bay quốc tế đến Cảng hàng không Phù Cát chủ yếu sẽ thực hiện theo hình thức thuê chuyến, kết nối với các nước trong khu vực, chủ yếu phục vụ các thương nhân hoặc các đoàn khách du lịch.

“Tầm nhìn đến năm 2050, công suất các công trình phải đảm bảo phục vụ vận chuyển hành khách 7 triệu khách/năm, có dự trữ đất phát triển đáp ứng công suất 12 – 15 triệu khách/năm, hàng hóa đảm bảo đáp ứng tới 50.000 tấn/năm”. (Cục Hàng không Việt Nam).

Theo đó, đơn vị tư vấn đề xuất phương án phát triển khu hàng không dân dụng về phía Nam trên khu đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng sang đất hàng không dân dụng.

Việc điều chỉnh, sắp xếp lại một số công trình quân sự trên sân bay sẽ tạo tiền đề, từng bước đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cấp sân bay Phù Cát là sân bay chính trong hệ thống phòng thủ quốc phòng, là căn cứ quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo đề xuất các phương án khác nhau trong việc quy hoạch các công trình hàng không dân dụng của Cảng hàng không Phù Cát.

Giai đoạn đến 2030, di chuyển các công trình quân sự trên khu đất phía Nam nhà ga hành khách rộng 76,69 ha để xây dựng khu hàng không dân dụng. Điều chỉnh vị trí xây dựng sân đỗ trực ban sẵn sàng chiến đấu và các công trình phụ trợ (nhà trực, phục vụ kỹ thuật…), diện tích khu đất khoảng 29,8 ha.

Bên cạnh đó, xây dựng mới nhà ga hành khách T3 công suất 3,5 triệu hành khách/năm; tổng công suất toàn cảng đạt 5 triệu hành khách/năm. Giữ nguyên nhà ga T1 hiện hữu có công suất 1,5 triệu hành khách/năm. Còn nhà ga T2 hiện hữu chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà ga hàng hóa đáp ứng công suất 12.000 tấn hàng hóa/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách T3 đạt công suất thiết kế 7 triệu hành khách/năm; tiếp tục khai thác, sử dụng nhà ga T1, T2 hiện hữu theo nhu cầu.

Ước tính khái toán vốn đầu tư xây dựng cho từng hạng mục công trình theo phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chi phí xây dựng 2 giai đoạn 13.993 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn từ 2021 – 2030 hơn 7.685 tỷ đồng và giai đoạn sau 2030 – 2050 hơn 6.308 tỷ đồng.

Trong phần tính toán kinh phí đền bù, di dời, giải phóng mặt bằng, số liệu là tạm tính do còn nhiều thông tin cần xác thực rõ, nhất là khối lượng và chi phí để di chuyển các công trình thuộc khu quân sự tại Cảng hàng không Phù Cát.

Nguồn: VNEconomy