Ngành Hàng không chuẩn bị “cất cánh”, có thể bay cao từ năm 2024

Ngành Hàng không đang dần phục hồi khi lượng khách quốc tế tăng tích cực trở lại và được dự báo sẽ ghi nhận mức lợi nhuận tốt hơn từ năm 2024.

Từng bước phục hồi

Theo báo cáo chuyên đề của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngành Hàng không tiếp tục chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế trong nửa đầu năm, khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế du lịch quốc tế và các quốc gia khác, tiếp tục tăng trưởng ổn định theo tháng.

Trong nửa cuối năm 2023, động lực từ khách du lịch Trung Quốc và chính sách visa thông thoáng hơn sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tích cực của sản lượng hàng khách hàng không quốc tế và bức tranh lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp trong Ngành.

Theo đó, các VDSC cho rằng, các doanh nghiệp có vị thế cạnh tranh tốt như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (UpCOM: ACV); CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN);  CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (HOSE: AST)… sẽ duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi hai chữ số ở mức cao, mặc dù sẽ chậm lại đôi chút so với nửa đầu năm khi hiệu ứng nền thấp dần trôi qua.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, 9 tháng của năm 2023, các cảng hàng không trên cả nước đón 89 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hành khách quốc tế tăng 266,8%, đạt 23,7 triệu khách và khách nội địa giảm 3,6%, đạt 65,2 triệu khách.

Thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không duy trì xu hướng hồi phục theo tháng khá tích cực kể từ tháng 3/2023 khi Trung Quốc cấp phép cho du lịch đoàn tới Việt Nam.

Hiện nay, 5 hãng hàng không Việt Nam gồm (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) đang khai thác 67 đường bay kết nối Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày.

Trong khi thị trường hành khách có xu hướng tăng, sản lượng hàng hóa qua các cảng hàng không lại giảm. Trong 9 tháng năm 2023, tổng thị trường hàng hóa của Hàng không giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 762 nghìn tấn. Trong nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết trong Ngành tăng 62% so với cùng kỳ năm 2022, lên mức 87,8 nghìn tỷ đồng, phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2019.

Theo phân nhóm dịch vụ kinh doanh, nhóm doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không (bán lẻ) chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 149% so với cùng kỳ năm 2022. Theo sau là nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái và vận tải hàng không tăng 61%.

Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp logistics hàng không giảm khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước do bối cảnh thương mại suy yếu. Lợi nhuận trước thuế toàn Ngành tăng mạnh lên 5,4 nghìn tỷ đồng (gấp 25 lần cùng kỳ năm 2022), nhưng mức độ hồi phục vẫn chỉ đạt 55% so với cùng kỳ 2019.

Diễn biến phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, các hãng hàng không giảm lỗ hơn 4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ nhưng vẫn lỗ trước thuế gần 700 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines vẫn báo lỗ 1.321 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng mức lỗ này đã giảm hơn 3.336 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Điểm tích cực là, doanh thu 6 tháng đã đạt 33.309 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với các hãng hàng không trong nước, nhờ tăng cường tần suất và mở rộng cho thị trường bay quốc tế trong khi có ngày càng nhiều hãng hàng không quốc tế khai thác trở lại thị trường Việt Nam cũng là chất xúc tác cho Ngành trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp phi hàng không ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh mẽ ở mức 245% so với cùng kỳ năm 2022 lên 218 tỷ đồng, khi một số doanh nghiệp bắt đầu có lãi trở lại trong 6 tháng đầu năm như AST, CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (HNX: CIA), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (HNX: MAS). Tỷ lệ hồi phục về lợi nhuận trước thuế của AST, SAS (hai doanh nghiệp bán lẻ tại sân bay có vị thế cạnh tranh tốt) khá cao, đạt lần lượt 60% và 41%.

Nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không tiếp tục đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận toàn Ngành với 5,5 nghìn tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là nhóm duy nhất ghi nhận lợi nhuận trước thuế có tăng trưởng so với thời điểm trước dịch (tăng 13%).

Nhóm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không tiếp tục dẫn đầu về triển vọng lợi nhuận cho cả năm 2023 tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 sẽ chậm lại khi thị trường quốc tế đã có sự phục hồi tốt trong giai đoạn từ cuối năm 2022. Một số doanh nghiệp duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi cao đáng chú ý là ACV, SGN, AST. Tuy nhiên, các nhóm doanh nghiệp Logistics hàng không tiếp tục tăng trưởng âm hai chữ số khi triển vọng thương mại vẫn chưa thể sớm tích cực.

Kỳ vọng thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này giúp phần lớn các doanh nghiệp trong Ngành tiếp tục tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024.

VDSC cho rằng, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, dự đoán lợi nhuận trước thuế và lại (EBIT) sẽ tăng 42% so với năm nay nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Nguồn: Tạp chí Tài Chính