Việt Nam đang trở thành thị trường hàng không quan trọng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Ngành hàng không Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đây cũng là những yếu tố thể hiện tiềm năng và vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

“Tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới Airbus thấy rõ sự tăng trưởng này và cam kết hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hàng không”, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam, chia sẻ điều này tại hai sự kiện quan trọng trong tháng 10/2023, đó là Triển lãm Quốc tế và Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Việt Nam (VIAE 2023) tại TP.HCM và Diễn đàn Đổi mới 5.0 (Innovation Horizon 5.0) tại Hà Nội.

Việt Nam đang trở thành thị trường hàng không quan trọng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Ông Pierre Andrieu, Giám đốc phụ trách Đổi mới Sáng tạo tại Airbus Commercial & International, cho biết: “Airbus hy vọng tiếp tục hợp tác với các đối tác tại Việt Nam trong các dự án và công nghệ quan trọng để cùng nhau tiến tới tương lai.

Theo dự báo thị trường mới nhất của Airbus, trong hai thập kỷ tới, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 17.580 tàu bay mới (bao gồm tàu chở khách và tàu bay vận tải hàng hoá), chiếm 44,5% nhu cầu toàn cầu. Khoảng 39.490 tàu bay mới sẽ được bàn giao từ nay đến năm 2041. Trong khu vực này, hơn 75% tàu được bàn giao là nhu cầu tăng trưởng (so với mức trung bình toàn cầu là 60%), 25% số tàu được giao còn lại là để thay thế những máy bay cũ (so với mức trung bình toàn cầu là 40%). Đây là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải carbon.

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu toàn cầu về nhu cầu tàu bay thân rộng, như A330neo và A350, với số lượng khoảng 3.000 chiếc. Ở phân khúc máy bay thân hẹp, khu vực này sẽ cần khoảng 14.560 máy bay như A220 và A320neo.

Với sự gia tăng mạnh mẽ về lưu lượng hành khách và vận tải hàng hóa qua từng năm, Việt Nam đang trở thành một thị trường hàng không quan trọng, phát triển song song với xu hướng tăng trưởng trong khu vực. Hiện nay, ngành vận tải hàng không đóng góp 12,5 tỷ USD tương đương 5,2% GDP của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam cho biết, phát triển bền vững sẽ là chủ đề trọng tâm trong lộ trình tăng trưởng hàng không của Việt Nam và Airbus sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Những đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến của Airbus – bao gồm phát triển tàu bay thế hệ mới, các ứng dụng vệ tinh và các sáng kiến về môi trường – hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam.

Bà Hoàng Tri Mai đề cập đến sự hỗ trợ không ngừng của Airbus dành cho Việt Nam trong việc khai thác công nghệ vệ tinh để giám sát và giải quyết các thách thức về môi trường. Đáng chú ý, hệ thống Vệ tinh Quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam, VNREDSat-1, do Airbus phát triển, sản xuất, và phóng thành công vào vũ trụ vào năm 2013 hiện vẫn đang hoạt động tốt dù đã vượt quá thời gian hoạt động dự kiến.

Airbus đang tiếp tục hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) trong Chương trình vệ tinh VNREDSat-2 nhằm nâng cao năng lực quản lý không gian vũ trụ của Việt Nam, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội….

“Thông qua đẩy mạnh hợp tác với các đối tác trong nước, Airbus mong muốn thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm thúc đẩy tiến bộ công nghệ và tạo cơ hội để Việt Nam dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, bà Mai chia sẻ.

Trong khi đó, ông Pierre Andrieu, Giám đốc phụ trách Đổi mới Sáng tạo tại Airbus Commercial & International, cho biết “Airbus hy vọng tiếp tục hợp tác với các đối tác tại Việt Nam trong các dự án và công nghệ quan trọng để cùng nhau tiến tới tương lai”.

Nguồn: VNBusiness